Kỹ năng đối thoại giữa sếp với nhân viên

Đã từ lâu, giữa sếp và nhân viên thường tồn tại một khoảng cách nhất định. Đa số nhân viên thường rất ngại giao tiếp với sếp và luôn giữ thái độ dè dặt, không dám thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Vậy sếp phải làm gì khi đối thoại với nhân viên?

Lãnh đạo cần biết lắng nghe... 

Giao tiếp, đối thoại là quá trình trao đổi, truyền đạt thông tin giữa người với người. Giữa sếp và nhân viên cũng vậy. Trong quá trình đối thoại, sếp cũng cần phải biết lắng nghe ý kiến của  nhân viên, như vậy, cuộc giao tiếp mới đạt kết quả tốt. Khi có vấn đề gì chưa rõ, sếp có thể yêu cầu cấp dưới làm rõ bằng cách đặt những câu hỏi tế nhị, khéo léo, giúp nhân viên bình tĩnh, trình bày vấn đề một cách cụ thể, logic và rõ ràng hơn.

Khi biết lắng nghe cấp dưới, người lãnh đạo sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng, thái độ và phản ứng của nhân viên. Có vấn đề gì chưa rõ, sếp có thể yêu cầu nhân viên trình bày cụ thể, rõ ràng hơn, với tinh thần trọng thị, biết lắng nghe, tránh ngắt lời hoặc tỏ thái độ hờ hững, chiếu lệ, hình thức trong lúc nhân viên đang trình bày ý kiến của mình.

Sử dụng lời khen hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ 

Trong công việc, những lời khen chân thành từ phía sếp luôn là nguồn động viên, cổ vũ nhân viên làm việc hăng say hơn, có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và khắc phục được những khuyết điểm còn tồn tại. Trong cuộc đối thoại với nhân viên, cấp trên nên có những lời khen cần thiết, đúng mức, đặt đúng chỗ, không nên ra lệnh với nhân viên. Người lãnh đạo nên ghi nhận và khích lệ cấp dưới qua ánh mắt, nụ cười. Nên sử dụng các từ ngữ như: “à ra thế”, “tôi hiểu”... Cách thức ứng xử này sẽ làm cho những người dưới quyền tự tin và mạnh dạn nói ra những suy nghĩ, tâm tư , nguyện vọng của mình, đồng thời, nhân viên cũng  cảm thấy mình được tôn trọng, vui vẻ cộng tác với lãnh đạo.

Cần có thái độ tích cực 

Khi giao tiếp với nhân viên, cấp trên cần giữ thái độ bình tĩnh, điềm đạm, luôn biết lắng nghe những vấn đề cấp dưới trình bày. Ở đây cần tránh thái độ chỉ trích một cách vội vàng, khuyên bảo và chỉ dẫn khi nhân viên chưa trình bày hết ý kiến của mình. Sự vội vàng này của cấp trên sẽ làm cho nhân viên e ngại không dám bộc lộ những suy nghĩ, tâm trạng của mình và  cấp trên sẽ không có cơ hội để hiểu rõ hơn về nhân viên.

Trong khi đối thoại, sếp cũng cần hạn chế việc sửa dụng điện thoại. Đây cũng được coi là sự làm tôn trọng cấp dưới.

Ngoài ra, khi giao tiếp, cấp trên nên học tính kiên nhẫn, luôn biết lắng nghe để hiểu được cấp dưới nhiều hơn, tránh gây ra sự căng thẳng không cần thiết trong quan hệ giữa sếp và nhân viên. Như vậy, uy tín của cấp trên được nâng cao, cấp trên luôn được cấp dưới kính trọng, nể phục. 
 


  • 19/08/2020 10:56
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3450