5 câu "thần chú" giúp xây dựng kỹ năng làm việc tích cực

Tại sao với cùng một sự việc, có những người luôn nhìn thấy cơ hội - còn những người khác lại chỉ thấy nguy cơ? Điều khác biệt ở đây chính là kỹ năng làm việc tích cực - một tác nhân quan trọng để tạo ra những thành tựu lớn ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Nếu bạn cảm thấy bản thân đang bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực, nếu bạn đang gặp một khó khăn tưởng chừng rất khó vượt qua, hãy tự nhủ với bản thân 5 câu “thần chú” dưới đây để có thể nhìn nhận vấn đề theo cách tích cực hơn.

1. Mình sẽ làm được, nếu…

Thay vì nghĩ rằng: “Mình không thể làm được”, hãy tiếp cận thử thách của bạn theo một cách khác. Đó là: “Mình sẽ làm được, nếu…”. Đằng sau chữ “Nếu” là những điều kiện mà bạn cho rằng sẽ biến thử thách của bạn từ “không thể” thành “có thể”. Ví dụ đơn giản như khi bạn có một dự án đang đi vào bế tắc vì không thể theo kịp deadline, hãy vạch ra các mệnh đề: “Mình sẽ làm được, nếu có thêm người giúp”; “Mình sẽ làm được nếu có thể thuê ngoài mảng nghiên cứu thị trường”; “Mình sẽ làm được nếu có thêm 10% ngân sách”. Và như vậy, bạn đã có một bài toán khả quan hơn rất nhiều đúng không?  

2. Mặt tốt của chuyện này là…

Trong các cuộc phỏng vấn nếu có thái độ tích cực, chắc chắn bạn sẽ chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng. Tâm lý chung của con người thường hay bị thu hút bởi những yếu tố có tính tiêu cực. Phản ứng lo lắng trước một biến cố là điều rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, kỹ năng “nhìn ra cơ hội” trong khó khăn càng trở nên quan trọng. Hãy nhớ, “trong nguy có cơ”, bằng việc phân tích mặt tích cực của vấn đề, bạn sẽ làm chủ được tình huống và biến tình hình trở nên có lợi hơn cho mình. Bị thuyên chuyển phòng ban, đây sẽ là cơ hội để bạn học thêm một lĩnh vực mới. Bị giảm lương? Đã đến lúc quản lý lại cách chi tiêu và tạo ra dòng thu nhập mới. Sếp quá khắt khe, hay bắt lỗi? Mặt tốt là bạn sẽ rèn luyện được sự chỉn chu, cầu toàn trong công việc. Mọi chuyện đều có hai mặt, chỉ cần bạn tập trung hơn vào mặt tích cực, bạn sẽ có một tư duy cởi mở hơn rất nhiều và xây dựng được kỹ năng làm việc tích cực.

3. Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì?

Chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất là một cách khiến bạn thoải mái hơn khi đứng trước một khó khăn. Bằng cách kể ra điều tồi tệ nhất và chấp nhận nó, bạn đã có một bước chuẩn bị tâm lý quan trọng để trở nên tự tin hơn khi giải quyết vấn đề. “Cùng lắm thì bạn sẽ mất khách hàng này” Tốt thôi, bạn vẫn còn nhiều khách hàng tiềm năng khác. “Cùng lắm thì nhóm của bạn sẽ bị giải tán”. Được, vậy thì bạn sẽ giữ lại những ai? “Tình huống tồi tệ nhất” thường ít khi xảy ra, nhưng vì bạn đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho nó, bạn sẽ thấy mọi chuyện không còn quá đáng sợ nữa.  

4. Mình có thể làm gì để thay đổi?

Khi gặp một hoàn cảnh khó khăn, thay vì chỉ ngồi than vãn và suy nghĩ tiêu cực, bạn hãy thử xắn tay áo lên và thay đổi tình thế xem sao. Thái độ tích cực, nói ít làm nhiều và tập trung vào giải quyết vấn đề sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua khó khăn đồng thời tạo động lực cho những người xung quanh.

5. Hành động thường tốt hơn là không làm gì cả

Bạn có biết, hầu hết những người có kỹ năng làm việc tích cực thường là những người ưa hành động. Họ ít khi mất thời gian vào việc suy tính, lo lắng, quá nhiều trước khi làm một việc gì đó, bởi họ tin rằng trong hầu hết các trường hợp, hành động thường tốt hơn là ngồi yên. Dù kết quả tốt xấu ra sao, hãy cứ hành động bởi chỉ khi ở trong tâm thế chủ động xử lý vấn đề, bạn mới có nhiều cơ hội nhìn ra những giải pháp tối ưu.

Trong môi trường công việc, những cá nhân tích cực được coi là “chất xúc tác” quan trọng của tổ chức, thúc đẩy tinh thần nhóm, tạo động lực phát triển. Họ là những nhân tố đặc biệt mà công ty nào cũng quý trọng. Hãy rèn luyện cho mình kỹ năng làm việc tích cực, bạn sẽ cảm thấy mọi vấn đề gặp phải đều trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Link gốc


  • 22/07/2020 03:18
  • Nguồn: svvn.tienphong.vn
  • 1479