“Khéo léo” khi bị sếp phê bình

Triển khai công việc chậm tiến độ, kém hiệu quả bạn khó tránh khỏi việc bị sếp phê bình. Khi ấy, bạn cần đón nhận lời phê bình ấy với thái độ như thế nào?.

Tiết chế cảm xúc

Khi bất ngờ bị nhận một lời phê bình, chỉ trích từ một người nào đó, đặc biệt là từ sếp, tâm trạng bạn sẽ không được thoải mái và cảm thấy hơi khó chịu về những lời nói đó. Trong phút nóng giận, rất nhiều người sẽ mất bình tĩnh và có thể sẽ “giận quá mất khôn”, dẫn đến những hành động và lời nói chệch chuẩn. Vì vậy việc cần làm đầu tiên khi nhận một lời phê bình từ sếp là cần giữ được thái độ bình tĩnh, tiết chế được các cảm xúc của mình, không phản ứng lại ngay dù cho lời phê bình đó đúng hay sai. Bạn cần vài giây để bình tĩnh, nắm bắt được tình hình và tìm hướng giải quyết.

Sẵn sàng tiếp nhận lời phê bình

Khi đã giữ được thái độ bình tĩnh, bạn hãy sẵn sàng tiếp nhận lời phê bình đó. Hãy tự nhủ bản thân, vì phải có một lý do nào đó thì sếp mới phê bình. Dù lời phê bình đó có đúng hay sai thì trước hết, trong quá trình sếp nói, hãy chú ý lắng nghe và tránh ngắt lời. Đây là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với cấp trên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Suy nghĩ, xem xét về lời phê bình 

Sau khi đã bình tĩnh nghe hết lời phê bình từ sếp, hãy suy nghĩ, xem xét về những lời phê bình đó thật kỹ, xem những gì sếp nói về mình có đúng hay không? Nếu những lời phê bình của sếp về bạn là chưa chính xác, hãy bày tỏ những quan điểm của mình để sếp hiểu ra chuyện. Bạn nên giữ thái độ ôn hòa khi trao đổi lại với sếp. Còn nếu bạn là người sai và những lời phê bình của sếp về mình là đúng thì trước hết, hãy nhận lỗi và xin lỗi sếp. Sau đó tiếp thu những ý kiến của sếp để sửa đổi và hoàn thiện bản thân hơn.

Tìm cách khắc phục và giải quyết

Nếu những lời phê bình của sếp về bạn là đúng, sau khi tiếp nhận lời phê bình của sếp thì việc bạn cần làm là tìm hướng giải quyết những lời phê bình đó. Hãy đặt ra cho mình một kế hoạch để có thể thay đổi bản thân trong cách xử lý công việc, chinh phục những nhiệm vụ mới để khẳng định năng lực bản thân mình. Hãy biến lời phê bình đó thành động lực để hoàn thành công việc tốt hơn. 
 


  • 15/07/2020 10:35
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1973