Khi nào sếp nên chủ động trao đổi với nhân viên?

Để làm một người sếp tốt, người quản lý nên duy trì những cuộc đối thoại thường xuyên hằng tuần, hằng tháng và hằng quý với nhân viên. Vậy đâu là những vấn đề cấp trên cần đối thoại, trao đổi trực tiếp với nhân viên?

Xuất hiện khó khăn trong công việc

Hãy luôn dành thời gian hỏi nhân viên về những khó khăn trong công việc của họ. Bởi nhiều nhân viên có thói quen ôm đồm, tự mình giải quyết và chịu đựng stress vì sợ sếp đánh giá thấp. Điều này dẫn đến các hệ lụy như làm việc quá sức, căng thẳng tâm lý, giảm hiệu suất lao động và dẫn đến oán trách cấp trên. Vì vậy, cấp trên nên chủ động tìm hiểu và lắng nghe nhân viên chia sẻ, khi cần thiết hãy giúp họ đưa ra phương án giải quyết. Đôi khi chỉ cần được cấp trên quan tâm, lắng nghe là nhân viên đã thấy giảm bớt áp lực và cố gắng làm việc hiệu quả hơn.

Chia sẻ thành quả và niềm vui

Nếu trao đổi về khó khăn nhằm giảm tiêu cực, thì sự chia sẻ những thành quả cùng những niềm vui chung của tập thể chính là "liều doping" kích thích năng suất làm việc nhóm. Cuộc trò chuyện về những điều tích cực không những có ích cho nhân viên, mà còn cải thiện tâm trạng của chính cấp trên. Thỉnh thoảng, sếp nên nhắc lại những thành tích mà từng cá nhân, hoặc cả tập thể đã cùng nhau phấn đấu đạt được. Điều này là sự ghi nhận, đồng thời truyền cảm hứng và nhắn nhủ cấp dưới tiếp tục nỗ lực hơn nữa để gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Những sáng kiến tích cực

Dù là nhân viên mới hay cũ, họ đều sẽ có các cách nhìn nhận, quan điểm riêng trong công việc. Còn bạn là quản lý giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, nhưng chắc chắn vẫn có những  thiếu sót nhất định. Do đó, đừng quá "độc đoán" mà hãy có thái độ khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng. Các sáng tạo mới mẻ của cấp dưới sẽ cho sếp thêm góc nhìn mới, hỗ trợ cho công việc, đồng thời cải thiện mối quan hệ đôi bên.

Tiến độ công việc hiện tại và kế hoạch tương lai

Công việc luôn tiềm ẩn những bất ngờ ngoài dự kiến, do đó cấp trên cần theo sát tình hình, tiến độ làm việc của cấp dưới. Chỉ cần một cá nhân gặp trục trặc sẽ kéo theo cả "guồng  máy" tập thể chậm lại. Thêm nữa, sự đôn đốc và quan tâm sát sao của sếp sẽ giúp nhân viên giữ vững tinh thần làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chia sẻ công khai các kế hoạch, thảo luận rõ ràng về định hướng của đội, nhóm và những thay đổi sắp tới, nếu có. Điều này giúp nhân viên hiểu rõ hơn về phương hướng, nhiệm vụ, từ đó, có sự chuẩn bị cũng như giải pháp phát triển phù hợp.

Suy nghĩ của nhân viên về đồng nghiệp

Sự thành công được tạo nên từ sức mạnh tập thể, nên chỉ cần một vài cá nhân thiếu đồng tâm sẽ khó đạt được kết quả tốt nhất. Rất nhiều nhân viên vì cả nể đồng nghiệp nên "giả lơ" trước sai sót, hoặc không dám lên tiếng. Ở cương vị cấp trên, bạn cần thăm dò suy nghĩ của nhân viên về đồng nghiệp xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn hiểu thêm về "hậu trường" công sở, biết các vướng mắc của tập thể. Tuy nhiên, đây là chuyện khá tế nhị nên cần sự khéo léo khi đặt các câu hỏi gợi mở cũng nên có chừng mực, khách quan, tránh việc các đồng nghiệp không ưa nhau tận dụng cơ hội này để "đấu tố" nhau.

Quan tâm đến cuộc sống của nhân viên

Chuyện này lẽ ra nên làm mỗi ngày, nhưng do tình hình thực tế và thời gian biểu bận rộn, ít nhất cũng nên hỏi thăm nhau mỗi tuần một lần. Và đây không hẳn là “hỏi thăm cho có” mà “thật sự quan tâm đến câu trả lời của nhân viên”. Điều này có nghĩa là sếp phải đọc được những gì ẩn chứa bên trong câu trả lời và cần có câu hỏi tiếp theo nếu cảm nhận được điều gì đó quan trọng xảy đến với nhân viên. Đây cũng là cách giúp cấp trên biết được những gì đang xảy ra trong cuộc sống có thể hoặc không thể ảnh hưởng đến công việc của họ.

Nguyện vọng của từng cá nhân

Cuối cùng, cấp trên hãy lắng nghe nguyện vọng của từng nhân viên. Thực tế, bất kì ai sau khoảng thời gian dài cống hiến, đều có những mong muốn khác nhau. Đây là điều tất yếu theo sự phát triển của doanh nghiệp. Bạn hãy hỏi nhân viên về nguyện vọng, kế hoạch phát triển nghề nghiệp. Sau đó, nghiêm túc xem xét, phân tích dựa theo năng lực của nhân viên, tình hình chung của công ty để có sự hỗ trợ và khuyến khích phù hợp. 
 


  • 17/08/2020 10:51
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1848