Coi trọng hay loại bỏ “cái tôi”?

Khẳng định bản sắc cá nhân hay hòa vào tập thể là điều không ít người băn khoăn khi làm việc nhóm và ứng xử nơi công sở. Dưới đây là ý kiến của một số CBCNV ngành Điện.

Nguyễn Thị Tầm – Chi nhánh Điện cao thế Bình Định: Nên hài hòa, không gây xung đột

Hiểu một cách đơn giản, “cái tôi” là cá tính, là bản chất vốn có của mỗi người;  làm nên giá trị và bản sắc của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội, làm cho mỗi người không bị hòa tan, lẫn vào cá nhân khác. “Cái chúng ta” ra đời trên nền tảng của “cái tôi”, là sự quy tụ điểm chung nhất của các thành viên.

“Cái tôi” và “cái chúng ta” có mối quan hệ biện chứng cùng thúc đẩy phát triển. Mỗi người không nên đề cao bản thân quá mức hoặc khẳng định ý kiến cá nhân một cách bảo thủ, cục bộ mà phải biết tôn trọng tập thể, lắng nghe tiếp thu ý kiến tập thể, có khi là trái chiều, từ đó, cùng bàn luận đưa ra hướng giải quyết hợp lý.

Các công sở, cơ quan hiện nay đang có xu hướng làm việc theo nhóm. Sự nỗ lực và tinh thần đoàn kết, hợp tác của các thành viên chính là yếu tố then chốt quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. “Cái tôi” cá nhân quá lớn sẽ là nguyên nhân gây xung đột nội bộ, kìm hãm sự phát triển lành mạnh. Mỗi người hãy hài hòa “cái tôi” với “cái chúng ta”, phát huy sức mạnh để xây dựng một tập thể phát triển toàn diện.

Ông Nguyễn Anh Khường – Phòng Tài chính Kế toán, Công ty Điện lực Kiên Giang: Mỗi người cần có bản sắc của mình

Mỗi người đều có “cái tôi” riêng, giúp tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh nơi công sở - động lực để phát triển. Nếu khuyến khích được nhân viên cạnh tranh lành mạnh thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên rất nhiều. Cạnh tranh lành mạnh được xét trên khía cạnh mỗi cá nhân mong muốn phát triển bản thân, thể hiện thực lực của mình, gắn liền với phát triển doanh nghiệp.

“Cái tôi” có thể không hòa tan vào cái “chúng ta” tại công sở, nhưng phải đi theo hướng tích cực. Mỗi người lao động khi được định hướng bởi tập thể sẽ giúp người đó phát huy những sức sáng tạo trong nội tại của bản thân và hoàn thành công việc hiệu quả. Mỗi cá nhân cần coi trọng khả năng và cá tính của các đồng nghiệp khác, tức là công nhận những “cái tôi” khác.

Tôi không ủng hộ việc khẳng định “cái tôi” quá lớn nơi công sở, nhưng cũng tùy trường hợp không nhất thiết phải “hòa tan”, mà mỗi người cần có ý kiến, bản sắc của mình. “Cái tôi” biết sử dụng hợp lý, điều chỉnh và dừng lại đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ hiệu quả.

Khương Thị Mai Hương – Phòng CNTT, Công ty Điện lực Lâm Đồng: Rất cần sự tinh tế

Kỹ năng làm việc nhóm luôn là một yếu tố cơ bản, đánh giá một nhân viên có năng lực hay không? Năng lực cá nhân tốt, nhưng nếu bạn không thể hòa nhập vào một nhóm để làm việc thì bạn sẽ mãi lẻ loi. Nếu lấy thang điểm 10 làm chuẩn, thì bạn sẽ "chấm" cho bản thân mình bao nhiêu? Số điểm mà bạn tự đánh giá sẽ nói lên phần nào về "cái tôi" của bạn.

Tại sao hai người cùng có một hành động, mà người A lại được tung hô tán thưởng, còn người B lại bị ghét bỏ, cư xử lạnh lùng? Theo tôi, mấu chốt vấn đề nằm ở cách bạn thể hiện và diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình – tức là phải có nghệ thuật trong giao tiếp và ứng xử. Nếu "cái tôi" của bạn có giá trị và được thể hiện một cách tinh tế trong những hoàn cảnh thích hợp thì bạn sẽ luôn được ủng hộ.


  • 25/08/2016 02:27
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3532