Văn hóa trang phục nơi công sở: Ưu tiên đẹp hay tiện dụng?

Theo anh (chị) thế nào là chuẩn mực văn hóa trang phục nơi công sở, tiêu chí “đẹp” hay “tiện dụng” quan trọng hơn? BBT xin giới thiệu nội dung trao đổi của anh Tướng Văn Thuận – nguyên cán bộ Công ty Điện lực Bình Định (thuộc EVNCPC).

Ảnh minh họa

Trong công sở, việc giao tiếp không chỉ dừng ở lời ăn tiếng nói mà còn thể hiện thông qua trang phục hàng ngày.

Các cụ ngày xưa đã có câu “Y phục xứng kỳ đức” là để nhắc nhở con cháu ăn mặc phải phù hợp với môi trường công việc cũng như điều kiện gia đình xã hội. Bên cạnh vẻ đẹp về tâm hồn thì hình thức cũng góp phần đáng kể nhằm tôn vinh vẻ đẹp và phẩm chất của một con người. 

Bạn đến công sở trong trang phục như thế nào thì người khác cũng có thể đoán được phần nào tính cách của bạn. Sự gọn gàng, thanh thoát, lịch lãm sẽ cho bạn sự tự tin trong giao tiếp, công việc và chiếm được cảm tình của người khác.

Nhiều đơn vị có quy định về đồng phục riêng, màu sắc và kiểu dáng phù hợp với đặc trưng ngành nghề, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa doanh nghiệp. 

Một số đơn vị quy định, đồng phục chỉ mặc vào vài ngày trong tuần, những ngày còn lại cho phép mặc… tự do, miễn làm sao đẹp, hài hòa, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tiện dụng, thoải mái khi làm việc. Gọi là mặc “tự do”, nhưng thiết nghĩ, tự do phải trong giới hạn. Bởi lẽ nếu tự do quá trớn sẽ gây phản cảm.

Tùy từng điều kiện cụ thể, mỗi người có sự lựa chọn khác nhau, không nhất thiết cứ dùng đồ đắt tiền mới là đẹp, mới là sang. Trong một tập thể cơ quan có nam có nữ, có cấp trên, cấp dưới thì chúng ta nên tìm một điểm tương đồng với tất cả mọi người, không nên quá loè loẹt, diêm dúa hay cẩu thả, luộm thuộm.

Trong trang phục cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp với từng mùa, hợp với dáng vóc của mình, luôn tự làm mới mình trước mắt người khác nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm và lịch sự. Trang  phục là một thế mạnh và cũng là một cách giao tiếp đem lại hiệu quả cao.

Hiện nay, trong xu hướng tiết kiệm năng lượng toàn cầu, Nhật Bản đã có phong trào vận động tiết kiệm năng lượng thông qua trang phục công sở. Đến công sở làm việc không phải mặc vest, thắt cà vạt mà chỉ cần quần “short”, áo ngắn tay để tạo “mát” tự nhiên, khỏi phải mở điều hòa, quạt máy. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực thi Văn hóa Doanh nghiệp. Trong mắt khách hàng, trang phục công sở của ngành Điện cũng đã thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình. Vì vậy, trang phục công sở của EVN cũng cần phải đẹp, lịch sự, thoải mái, phù hợp với công việc, phù hợp với môi trường công tác, hài hòa với cộng đồng; không thể ưu tiên riêng tiêu chí nào.


  • 24/12/2015 03:28
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7273


Gửi nhận xét