Tám chuyện nơi công sở: Ranh giới “mong manh”

Trong văn hóa ứng xử, nhận xét, đánh giá về một con người, nhất là về đồng nghiệp, bạn cần có thái độ tôn trọng, mang tính xây dựng và đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một nhóm người…

Nhận xét phải mang tính xây dựng
 
Đơn vị, nơi mình làm việc cũng giống như một cộng đồng thu nhỏ, các thành viên đều phải chung tay vì lợi ích chính đáng của tập thể, đơn vị. Tuy nhiên, ở đâu đó, cách nhận xét, đánh giá, phê bình cá nhân với động cơ không trong sáng, gây nhiễu thông tin, gây mất đoàn kết… vẫn còn diễn ra. Ngược lại, những phê bình, phản biện với mục đích trong sáng, mang tính xây dựng, nhiều khi lại chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn, khách quan.
 
Chị Lan Anh (nhân viên một công ty quảng cáo tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và một đồng nghiệp nữ trong công ty không hợp tính ngay từ những ngày đầu làm việc cùng nhau. Chị ấy luôn tỏ ra khó chịu mỗi khi gặp tôi, thậm chí còn luôn phản đối ý kiến của tôi trong các cuộc họp. Điều đó làm cho công việc hợp tác của chúng tôi không đạt được kết quả như mong đợi. Không chỉ vậy, nhiều lần chị còn đặt điều nói xấu sau lưng tôi. Lắm lúc bực lắm, nhưng tôi vốn không thích ồn ào, cãi vã nên cố nhịn, bỏ qua mọi chuyện”.
 
Đây cũng không phải trường hợp hiếm hoi trong công sở hiện nay. Khi đưa ra lời phê bình, nhận xét về kết quả công việc của một đồng nghiệp, hầu hết mọi người có xu hướng chú trọng vào phần tiêu cực và bỏ qua phần ưu điểm còn lại. Điều đó không những không giải quyết được vấn đề, mà còn khiến đồng nghiệp của bạn khó tiếp thu sự góp ý. Thay vào nhận xét đó, bạn hãy thể hiện thái độ tích cực, gợi ý về những  giải pháp cần thiết để đạt được mục tiêu và cố gắng dự đoán trước phản ứng của người nghe dựa vào tính cách của họ để chọn cách nói phù hợp nhất.
 
Đồng thời, người được phê bình cũng cần khiêm tốn, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng. Bạn không cần phải đồng ý với tất cả mọi thứ; thậm chí chỉ cần đồng ý với một khía cạnh nhỏ của lời phê bình cũng đủ để tạo ra bầu không khí làm việc nhóm. Sự cầu thị đó có thể trở thành tiền đề cho bạn giảm bớt cảm giác đang bị “tấn công” từ đồng nghiệp.
 

 Ảnh minh họa

Phải nói thẳng, nói thật, không phàn nàn sau lưng

Trong một số tình huống, người lao động thường có tâm lý rụt rè, e ngại trong việc thể hiện quan điểm, chính kiến của mình hoặc thiếu tự tin trong việc ứng xử. Khi không hài lòng về đồng nghiệp, thay vì góp ý trực tiếp, bạn lại phàn nàn sau lưng họ. Có thể bạn nghĩ như vậy là giữ ý, là lịch sự, nhưng đó là sai lầm và có thể gây “phản tác dụng” rất lớn.
 
Câu chuyện của chị Ánh Nguyệt làm việc tại một công ty ở Hà Nội là một ví dụ. Hôm ấy, vừa tới cửa phòng làm việc, chị Nguyệt nghe thấy ba đồng nghiệp tám chuyện. Nào là áo mới của Sếp trông lòe loẹt, nào là chị thư ký chắc cãi nhau với chồng nên mặt nặng như cái mâm… Cuối cùng là câu chuyện Ánh Nguyệt... bị nghiện. 
 
“Một chị tung tin mình vừa gầy, vừa xanh, lại ngáp vặt suốt ngày, công việc cũng không hoàn thành xuất sắc như thời gian trước. Chị ấy càng để ý càng thấy mình có những biểu hiện “khả nghi”, thế mới đi tới kết luận như vậy” - Chị Nguyệt kể lại trong cơn tức giận. Chị Nguyệt chia sẻ, chẳng qua gần đây, con bé 3 tuổi bị ốm nên chị phải thức đêm chăm sóc dẫn đến thiếu ngủ. Đi làm, tinh thần hơi uể oải, ngáp lên ngáp xuống là chuyện bình thường. Không ngờ các chị thích buôn dưa lê lại có “máu dựng chuyện”. Câu chuyện “tám” sai sự thật này có lẽ sẽ còn tiếp diễn và lan truyền nếu như cấp trên của Ánh Nguyệt không trực tiếp nhắc nhở các “bà tám” về tật xấu này.
 
Suy nghĩ trước mỗi lời nói
 
Học thói quen thận trọng trong từng lời ăn, tiếng nói, biết chắc chắn rằng mình đang nói gì, về ai và về vấn đề gì là cách tốt nhất để không ai có thể nghĩ xấu về bạn. Nguyên tắc vàng là hãy giữ những chuyện riêng tư đúng nghĩa là riêng tư và khi cần, nên góp ý thẳng thắn với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, tất cả vì sự phát triển của tập thể.
 
Ngoài ra, cách tốt nhất để bạn không bao giờ bị dính vào những chuyện rắc rối nơi công sở là tránh xa tất cả các cuộc “tám”, nói xấu, đùa giỡn về một đồng nghiệp khác, đặc biệt là về cấp trên. Biết đâu, một ngày “đẹp trời”, bạn cũng sẽ trở thành nạn nhân vì những câu nói tưởng là “bông đùa” của mình khi được thêm “mắm thêm muối” lại trở thành một câu chuyện khiến bạn gặp rắc rối! 
 
Bí quyết đưa ra những nhận xét/đánh giá có tính xây dựng với đồng nghiệp
 
Hãy hẹn một thời gian phù hợp để nói chuyện riêng với anh/cô ấy. 
Sau khi nhận được sự đồng ý, hãy nêu vấn đề từ kinh nghiệm của bạn. Tạo ra mối quan hệ này, bạn thể hiện sự chân thành của mình và muốn nêu ý kiến mang tính xây dựng cho đồng nghiệp.
Hãy dùng lời lẽ mềm mỏng và nêu vấn đề một cách ngắn gọn, trực tiếp.
Sau khi thể hiện quan điểm của mình, hãy cởi mở thảo luận vấn đề sâu sắc hơn với đồng nghiệp. 
Khi góp ý, nên nhấn mạnh sai lầm là một phần của quá trình học hỏi và điều quan trọng là họ rút ra bài học từ góp ý của người khác để tránh sai lầm tương tự xảy ra trong tương lai.
Hãy cảm ơn đồng nghiệp vì đã cho phép bạn chia sẻ ý kiến của mình. Đây cũng là cơ hội để bạn tự học hỏi và phát triển bản thân trong công việc, mối quan hệ và cuộc sống. 

 


  • 27/11/2015 03:12
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1706


Gửi nhận xét