Để thợ điện sông nước yên tâm “bám” nghề

Trong khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, công tác quản lý vận hành, kinh doanh mua bán điện  gặp không ít khó khăn. Làm thế nào để người thợ điện yên tâm “bám” nghề? Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo đơn vị và chính quyền địa phương.

Ông Huỳnh Hữu Quang – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau: “Cung cấp đầy đủ vật tư, thiết bị tại chỗ phục vụ công tác quản lý, vận hành”

Cà Mau là tỉnh ven biển nằm ở cực Nam của Tổ quốc, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, địa hình thấp, độ cao trung bình từ 0,5 – 1,5 m so với mặt nước biển. Giao thông đi lại chủ yếu là đường thủy, nên công tác đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành kinh doanh mua bán điện gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào dòng chảy của sông (hiện tượng thủy triều – nước dâng lên và rút xuống). Việc kéo dây, dựng cột cũng phải tránh đi qua rừng cây, cánh đồng nuôi tôm của người dân. Bên cạnh đó, với 3 mặt giáp biển, Cà Mau còn là vùng đất yếu, nên khi xây dựng trụ, cột điện phải làm rất chắc chắn, đòi hỏi thời gian và chi phí đầu tư cao hơn các khu vực khác. Ngoài ra, trên địa bàn, đặc biệt là tại khu vực Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, còn thường xuyên xảy ra mưa, gió, giông lốc, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vận hành.

Xác định rõ những khó khăn đặc thù, thời gian qua Tổng công ty Điện lực miền Nam và Công ty Điện lực Cà Mau đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, công trình, mua sắm thiết bị đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công nhân “đóng quân” trên các địa bàn khó khăn. Đồng thời, Công ty còn ưu tiên cung cấp, vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ tại chỗ để các cán bộ, công nhân kịp thời làm nhiệm vụ. Công đoàn và lãnh đạo Công ty cũng kịp thời động viên, khen thưởng anh em công nhân có nhiều cố gắng và nỗ lực trong công việc. Đây là những giá trị tinh thần để động viên, khích lệ các cán bộ, công nhân yên tâm “bám” nghề.

Phương tiện đi lại chủ yếu của những người thợ điện miền sông nước là những chiếc xuồng, ghe - Ảnh: Thành Trung
 

Ông Võ Thành Lĩnh – Phó chủ tịch UBND xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau: “Tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân Điện lực hoàn thành nhiệm vụ”

Xã Viên An Đông hiện có 14 ấp, diện tích trên 13.000 ha. Xác định tầm quan trọng của điện lưới quốc gia đối với đời sống của người dân, nên ngay từ những ngày đầu triển khai các dự án cung cấp điện, chính quyền xã Viên An Đông đã tích cực vận động người dân phát quang hành lang tuyến, nhường đất để ngành Điện kéo dây, dựng cột. Nhờ vậy, tình hình cung ứng điện ổn định, liên tục đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. 

Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 9,1% thì đến tháng 9/2015, con số này đã giảm xuống hơn 7% và mục tiêu đến cuối năm nay, xã Viên An Đông sẽ phấn đấu còn dưới 7%, từng bước đạt tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, chính quyền xã còn thường xuyên kết hợp với các cán bộ, công nhân đóng trên địa bàn tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Tuy nhiên, hiện nay rải rác tại 14 ấp trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hộ dân chưa có điện. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị chính quyền các cấp và ngành Điện tiếp tục đầu tư các tuyến đường dây, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho CBCN ngành Điện lực đưa điện đến các hộ dân chưa có điện, góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chính quyền địa phương và người dân cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để cán bộ, công nhân điện lực đóng trên địa bàn xã hoàn thành nhiệm vụ, yên tâm công tác.

Ông Đoàn Hoàng Điệp - Phó Giám đốc Điện lực Ngọc Hiển, Công ty Điện lực Cà Mau: “Tối ưu hóa nhân lực để nâng cao năng suất lao động”

Hiện nay, Điện lực Ngọc Hiển đang quản lý 499 km đường dây trung thế, 631 km đường dây hạ thế, 492 máy biến áp với tổng công suất hơn 24.000 kVA. Lưới điện quốc gia về đến huyện Ngọc Hiển từ cuối năm 1999, phục vụ chủ yếu nhu cầu sinh hoạt của người dân. 

Tuy nhiên, với khoảng 80% diện tích là sông ngòi, kênh rạch, nên công tác quản lý, vận hành, kinh doanh mua bán điện, đặc biệt trong khắc phục sự cố trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nếu rơi vào thời điểm nước rút xuống, thuyền, bè rất khó tiếp cận khu vực xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho công tác quản lý, vận hành khu vực này cũng khá cao. Đơn cử, với quãng đường khoảng 40 – 50 km, nếu công nhân sử dụng phương tiện là xe máy sẽ tiêu tốn 1 lít xăng; nhưng với xuồng máy – phương tiện đi lại chủ yếu tại đây thì tốn khoảng gần 10 lít xăng. Bên cạnh đó, mua một bộ xuồng máy tốn trên 10 triệu đồng. Trong đó, vỏ máy khoảng 5 - 6 triệu (loại nhỏ, có thể sử dụng từ 4 – 5 năm); máy móc khoảng 5 – 6 triệu, nhưng cũng chỉ sử dụng được khoảng 2 năm. 

Vì vậy, Điện lực Ngọc Hiển đã thực hiện mọi giải pháp để tối ưu hóa nguồn nhân lực. Trước mắt, khoảng 80% lực lượng thu ngân viên là thuê ngoài hoặc thu qua đại lý, công nhân Điện lực Ngọc Hiển chủ yếu triển khai công tác quản lý vận hành lưới điện trên địa bàn. Trong thời gian tới, Điện lực Ngọc Hiển sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp, giúp cán bộ, công nhân khắc phục khó khăn, yên tâm “bám” nghề.


  • 07/12/2015 02:22
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1657


Gửi nhận xét