Thợ điện vùng lũ Long An: Lênh đênh trên sông nước

Quản lý vận hành lưới điện ở huyện biên giới Tân Hưng, tỉnh Long An - nơi lũ đổ về sớm nhất, rút đi chậm nhất, những người “lính áo cam” Điện lực Tân Hưng luôn phải căng mình “canh” con nước.

Không thể thiếu kĩ năng sông nước

Đã qua đỉnh lũ, nhưng trên đồng ruộng ở huyện Tân Hưng, Long An nước vẫn mênh mông. 

Tại xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, tháng 10/2018, dù đã qua kì đỉnh lũ, nhưng nước vẫn phủ trắng đồng. Cho máy ảnh vào túi nilon và mặc áo phao, chúng tôi lên chiếc thuyền nhỏ, theo chân các thợ điện của Điện lực Tân Hưng đi xử lý sự cố.

Thoăn thoắt đôi tay chèo thuyền, đưa chúng tôi tiến về phía cột điện nằm giữa cánh đồng mênh mông nước, anh Đoàn Vinh Tài đã 4 năm gắn bó với miền sông nước chia sẻ: “Chúng ta đã vượt qua sông và bây giờ thuyền đang trên mặt ruộng. Hiện tại, nước sâu khoảng 1,2-1,7m. Vào kì đỉnh lũ (cuối tháng 8), mực nước còn cao hơn rất nhiều”. Cũng theo anh Tài, do năm nào cũng phải “sống chung” với lũ, thợ điện ở đây đều được trang bị kĩ năng mềm: Bơi lội và chèo thuyền, có thể “xuất trận” trong mọi tình huống.

Khi đã tiếp cận được cột điện, anh Tài gìm thuyền cho hai đồng nghiệp tiến hành thao tác trên lưới. Vừa kiểm tra hòm công tơ, anh Đoàn Công Thức vừa chia sẻ, mùa khô, xử lý sự cố vất vả một, mùa lũ phải vất vả mười. Có hôm, không thuê được thuyền to mà phải mượn thuyền gỗ nhỏ của dân, đi lại chòng chành, rất nguy hiểm... Đặc biệt, có những khu vực nước ngập không quá sâu, thuyền không thể qua được, thợ điện buộc phải xuống lội bộ. Đất ruộng bùn nhiều, đi bộ đã khó khăn, chưa kể phải mang  vác đồ nghề, thiết bị..., khó có thể kể hết nỗi vất vả của thợ điện vào mùa nước.

Cũng theo anh Thức, xử lý sự cố trên cột còn đỡ, vào mùa này, khi nước lũ dâng cao, giông lốc kéo đến bất ngờ, gây đứt dây, đổ cột mới là lúc khó khăn nhất của thợ điện. Anh Thức kể: “Tôi còn nhớ, tháng 8 năm 2016, một cơn lốc mạnh làm cột điện giữa cánh đồng bị đổ. Cả một buổi sáng, tôi và đồng nghiệp phải lặn ngụp xuống nước sâu, nâng cột lên; rồi tiếp tục lặn xuống đào móng mới. Đến khi xong việc, toàn thân lấm lem bùn đất; áo cam cũng được “nhuộm màu đen”… Thậm chí, khi về đến nhà, con cũng chẳng nhận ra mình”.

Với những người có thâm niên trong nghề, làm việc giữa những cánh đồng mênh mông nước đã là chuyện thường ngày. “Quen với cái khổ”, sức đề kháng của thợ điện miền sông nước cũng được... nâng cao. Dầm nước cả ngày, về ngủ một giấc, mai lại tiếp tục “cuộc chiến mới”. Thế nhưng, với những “lính mới”, những ngày đầu đi làm trong mùa lũ, cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng, lo lắng, băn khoăn.

Thợ điện Tân Hưng không thể thiếu kỹ năng sông nước.

Vất vả là vậy, nhưng thợ điện vùng lũ ở Tân Hưng cũng có nhiều kỉ niệm “cười ra nước mắt”. Anh Thức nhớ lại: “Có lần xử lý sự cố vào ban đêm cùng đồng nghiệp mới vào nghề. Đi thuyền vào ban đêm, không có ánh sáng đèn đường, chỉ có ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin. Không gian vốn đã lặng lẽ, trước mặt là cả một khoảng tối mênh mông. Lúc này, nước lũ theo mái chèo vỗ vào mạn thuyền, tạo thành những âm thanh lộp bộp. Cậu đồng nghiệp trẻ lần đầu đi làm đêm mùa lũ, vừa run, vừa sợ, vì nghĩ đó là... ma (cười), lâu lâu lại hỏi: “Anh ơi, có cái gì nó gõ vào thuyền ấy”... Đến bây giờ, câu chuyện này vẫn được anh em nhắc lại lúc giải lao, như một chuyện tiếu lâm vui vẻ.

Luôn chủ động

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lưu Quốc Tâm - Giám đốc Điện lực Tân Hưng cho biết, là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Long An, vào mưa lũ, việc đáp ứng yêu cầu sửa điện cũng như dịch vụ khách hàng đôi khi còn chậm trễ so với yêu cầu. Để khắc phục, trước mùa lũ, Điện lực đã tiến hành kiểm tra, gia cố những nơi xung yếu trên lưới điện; phối hợp chặt với chính quyền địa phương kiểm tra các dường dây sau công tơ, nếu  mất an toàn, sẽ tiến hành sửa chữa, di dời lên chỗ đất cao hơn, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra sự cố. Riêng hòm công tơ, Điện lực đã chủ động nâng độ cao đặt hòm. Vì vậy, đã từ lâu, không xảy ra hư hỏng công tơ do nước lũ.

Ngoài ra, Điện lực cũng chủ động hợp đồng thuê thuyền, xuồng ở quanh khu vực ngập lũ, khi nào cần di chuyển sẽ có ngay phương tiện… Cán bộ Điện lực cũng thường xuyên tiếp xúc với dân, tuyên truyền, giới thiệu về sử dụng điện an toàn trong mùa nước lũ.

Ngôi nhà lá của gia đình anh Huỳnh Văn Phong (Ấp Hưng Thành, xã Hưng Thạnh) nằm sát bờ kênh, mỗi khi lũ về, nước ngập mặt sàn. Anh Phong cho biết, năm nay, nước lũ cao hơn khoảng 60-70 cm so với mọi năm, gây không ít khó khăn cho cuộc sống của người dân. Rất may, ngay từ đầu mùa lũ, thợ điện đã đến tuyên truyền, cảnh báo, cùng gia đình đưa các thiết bị điện lên cao, giúp sửa chữa lại hệ thống lưới điện cho gia đình. Nhờ đó, mọi thiết bị điện trong gia đình vẫn đảm bảo an toàn...

Nhờ chủ động phòng tránh, nên năm nay, dù lũ đến sớm, cường độ lũ nhanh hơn và cao hơn năm 2017, nhưng Điện lực Tân Hưng vẫn cung cấp điện an toàn, tin cậy phục vụ sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn. 

Điện lực Tân Hưng, PC Long An (thuộc EVNSPC) đang quản lý:

- 266 km đường dây trung áp;

- 280 km đường dây hạ áp;

- 245 TBA phân phối, dung lượng 21,2 MW;

- Tổng số khách hàng: Trên 13.700 khách hàng.


  • 21/11/2018 08:01
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1358