Áo vàng trên đỉnh A Xing

Hình ảnh những người thợ áo cam lấm lem bùn đất, hay cheo leo trên đỉnh A Xing lộng gió quanh năm mây trắng hàm chứa những giá trị cao đẹp và nhân văn. Họ luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thầm lặng hi sinh và cống hiến vì dòng điện của quê hương...

Tuyến đường dây 110 kV Khe Sanh - Tà Rụt có tổng chiều dài hơn 30 km do Chi nhánh Điện cao thế (ĐCT) Quảng Trị quản lý vận hành là tuyến đường dây được đánh giá là đặc biệt khó khăn, hiểm trở đối với những người thợ điện bởi phần lớn đi qua địa bàn rừng núi, độ dốc lớn và đường giao thông chưa hoàn thiện. Đây cũng là tuyến đường dây duy nhất được xây dựng dọc theo tuyến đường tuần tra biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào, nơi những bản làng dân cư thưa thớt gồm đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, đời sống của họ còn phụ thuộc rất nhiều vào canh tác, thu lượm sản vật từ rừng.

Tuyến đường dây 110 kV Khe Sanh - Tà Rụt là lưới điện kết nối giữa hai trạm biến áp 110 kV Khe Sanh và TBA 110 kV Tà Rụt. Đây là tuyến năng lượng quan trọng nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho các địa phương của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đồng thời truyền tải công suất cho các nhà máy thủy điện lưu vực các sông Sê Păng Hiêng, Sê Pôn và Rào Quán như Nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Đây cũng là tuyến lưới điện trọng điểm cung cấp điện cho Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo và kết nối lưới cung cấp điện cho tỉnh Savannakhet của Lào. Có thể nói việc thi công tuyến đường dây chống sét có cáp quang cho tuyến đường dây này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc liên kết mạng thông tin, liên lạc phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện ngày càng trở nên hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm tới.

Công nhân điện thi công kéo dây chống sét cáp quang.

Thời tiết ở Khe Sanh tương đối ôn hòa hơn những khu vực lân cận nhờ ở vị trí địa lý cao nhất trong khu vực, đồng thời chịu sự giao thoa thời tiết giữa hai triền Đông và Tây của dãy Trường Sơn nên khá mát mẻ. Buổi sáng ở đây thường có mưa, tuy không lớn như một khi đã kết hợp với đất đỏ bazan thì việc vận chuyển vật tư thiết bị vào vị trí thi công lại là một cực hình đối với người thợ. Các xã như Tân Liên, Tân Lập, A Xing và Ba Tầng chỉ được nối với nhau duy nhất một tuyến đường độc đạo đi xuyên rừng rậm, nhiều ngầm suối, khá gồ ghề gồm đất và đá hộc. Để di chuyển trên cung đường này thì những chiếc xe Uoát lại trở nên rất hữu ích, tuy nhiên khi trời mưa lớn thì việc bị sa lầy là một thử thách đối với cánh tài xế của các đơn vị.

Với thời gian 8 ngày cắt điện thi công, dù gặp vô vàn khó khăn vất vả nhưng công trình thay dây chống sét cáp quang Khe Sanh - Tà Rụt cũng đã về đích đúng hẹn. Để thực hiện hoàn thành công trình này theo đúng tiến độ, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung (CPCCGC) đã huy động hơn 100 cán bộ công nhân viên (CBCNV) ở các đơn vị là Chi nhánh ĐCT Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân trên toàn tuyến, tổ chức khẩn trương thi công trong mọi điều kiện thời tiết. Mặc dù thi công trong điều kiện rất khó khăn, nhưng các đơn vị tham gia đã tổ chức tốt các phương án thi công, chuẩn bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật và con người để đạt tiến độ được giao. Theo đó, với địa hình như vậy, mỗi đơn vị phải đặt mục tiêu kế hoạch hoàn thành cho từng ngày, từng vị trí, từng khoảng néo, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người trong suốt quá trình thi công.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường thi công, anh Hoàng Quốc Ân - Quản đốc Phân xưởng đường dây Quảng Trị cho biết: “Những khó khăn về địa hình, thời tiết thì anh em công nhân đều có thể khắc phục được, toàn Phân xưởng đều bảo ban động viên nhau cùng vượt qua, và anh em đã thật sự cố gắng hết mình dù biết rằng nhiều khi rất đuối sức. Duy chỉ có một điều là làm sao trong suốt quá trình thi công không được làm ảnh hưởng đến hoa màu, cây trồng của người dân ở đây. Đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều có cái dễ và cũng có cái khó của họ, nhiều khi người dân không cho đi qua nương rẫy, không cho đụng chạm dù chỉ một ngọn cây, có những câu chuyện có thật đến khó tin mà chỉ có trải nghiệm mới hiểu được, điều này đã tạo ra không ít khó khăn cho công tác thi công của đơn vị”.

Do địa hình và giao thông rất khó khăn nên công tác đảm bảo hậu cần, nơi ăn nghỉ cho công nhân cũng rất khó khăn, bởi vậy để thuận lợi cho công tác thi công, các đơn vị thi công đã phải làm lán trại hoặc ngủ nhờ nhà người dân ở trong rừng. Theo quan sát, cứ 5 giờ sáng anh em công nhân ở các phân xưởng đều đã chuẩn bị sẵn sàng vào tuyến, mặc dù thời tiết lúc này còn mờ mịt bởi sương mù và mưa. Những chiếc xe Uoát rung lên bần bật, gầm gào khi đi qua các đoạn đường dốc lớn và lầy lội, nhiều vị trí cột phải mất hai tiếng đồng hồ băng rừng, vượt suối mới tiếp cận được để thi công. Những bữa cơm giữ rừng vội vã, thường thì 5 giờ sáng anh em công nhân ăn cơm và đi làm, bữa trưa phải đến 3 giờ chiều mới được ăn, còn 21 giờ là ăn buổi tối. Vất vả là vậy nhưng kế hoạch công việc ngày đều được các anh hoàn thành. Rừng Khe Sanh ken dày những con vắt, cơ man nào là vắt, vắt trên cành cây, vắt dưới thảm cỏ, mỗi bàn chân người thợ phải chịu vài chục con vắt bám hút mỗi ngày.

Địa danh Khe Sanh được thế giới biết đến bởi những trận đánh nổi tiếng như chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, những căn cứ Làng Vây, Tà Cơn và con đường Trường Sơn huyền thoại. Huyện Hướng Hóa đã chuyển mình đổi thay, điện lưới quốc gia đã được kéo về đến từng thôn bản, những người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô một thời hết mình theo cách mạng giờ đã có cuộc sống tốt hơn. Đi dọc theo Quốc lộ 9 và các tuyến đường tuần tra biên giới, cảm nhận về cuộc sống của bà con nơi đây dù đã có điện nhưng còn nhiều khó khăn vất vả, những tập tục, nếp sống như còn vẹn nguyên.

Công nhân điện cùng với gió và mây ngàn.

Đỉnh A Xing cao ngút ngàn quanh năm mây trắng như ấp ôm bao phận người, những nếp nhà sàn liêu xiêu ẩn mình bên sườn núi, những đứa trẻ ngơ ngác và lam lũ đã để lại biết bao suy nghĩ trong tôi. Những người thợ áo cam lấm lem bùn đất, lẩn khuất sau những lùm cây hay đứng cao chót vót trên đỉnh cột lộng gió, một hình ảnh đẹp và trọn đức hi sinh. Chỉ có trải nghiệm mới thấy được công việc của những người thợ điện thật sự khó khăn và vất vả đến thế nào, mỗi ngày họ đang thầm lặng hi sinh và cống hiến cho dòng điện của quê hương. Những cánh lan rừng nở dọc trên đường tuần tra biên giới, những chuyến xe Uoát chở những người thợ áo cam vất vả chạy ngược chạy xuôi để thi công công trình, mồ hôi ướt đẫm, gương mặt đen đúa vì nắng...

Khe Sanh, Hướng Hóa, vùng đất, con người đã viết lên bản anh hùng ca bất diệt. Người dân Pa Cô, Vân Kiều, Kinh trong kháng chiến đã chung lưng, đấu cật thì nay lại chung tay xây dựng quê hương mạnh giàu. Cũng tại nơi này, những người thợ điện áo cam đang ngày đêm viết tiếp nên bản anh hùng ca ngành Điện, giản dị, khiêm nhường mà đáng yêu biết bao.


  • 13/08/2018 09:23
  • Nguồn: EVNCPC
  • 1675