'Cò Lỳ - Nơi vùng lũ' - chuyện giờ mới kể

Vẫn biết rằng mảnh đất Yên Bái có tiếng là mưa nhiều và năm nay lại được mùa nhãn thế này thì có khi lại nhiều bão, nhưng vẫn không ai có thể ngờ lũ lại về sớm và nhanh đến thế? Chỉ trong 2 ngày, nước đã ngập khắp nơi và chia cắt hết các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Nghĩa Lộ. Hệ thống lưới điện nhiều nơi bị nước lũ cuốn trôi, đồng bào trong vùng lũ ngoài thiếu nước sạch, lương thực, giờ đây còn thêm thiếu điện.

7h00' sáng ngày 22/7/2018, Đội Thanh niên xung kích của Công ty Điện lực Yên Bái được triệu tập, nhiệm vụ được phổ biến rõ: Hỗ trợ cho Điện lực Nghĩa Lộ khắc phục hậu quả của bão, khôi phục lại đường dây và cấp điện cho bà con một cách nhanh nhất, đích đến là xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn (nơi Điện lực Nghĩa Lộ quản lý lưới điện). 

Đường đi tới Nghĩa Lộ rất khó khăn do sự tàn phá của thiên tai.

Điện lực Nghĩa Lộ là đơn vị được Công ty Điện lực Yên Bái giao quản lý lưới lưới điện 04 huyện, thị gồm: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Là một trong những vùng bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ của tỉnh Yên Bái, ngay từ khi xảy ra bão lũ, anh em điện lực đã có mặt kịp thời và bám trụ địa bàn để duy trì dòng điện. Nhân lực vốn đã eo hẹp, lại phải căng ra khắp mọi nơi để xử lý sự cố bão lũ, vật tư thiết bị dàn trải không đủ nên vô cùng khó khăn.   

Chiếc xe chở 12 anh em thanh niên chạy một mạch từ Thành phố Yên Bái ngay sau đoàn xe của đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng với các sở ban ngành và phóng viên báo đài đi kiểm tra những địa phương gặp thiên tai. Tới địa bàn huyện Văn Chấn, người ra đón chúng tôi là anh Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ. Trong bộ đồ bảo hộ vẫn vương đầy vết bùn, mũ cối và ủng còn ướt lướt thướt, anh cho biết: Nậm Mười là vùng bị lũ thiệt hại nặng nhất của huyện Văn Chấn, ngoài các thiệt hại về nhà ở, tài sản và hoa mầu, còn có 07 người đã bị lũ cuốn trôi hiện vẫn chưa tìm thấy. Hệ thống điện bị nước lũ phá hủy gần như hoàn toàn, trong đó có 18 cột trung thế và khoảng 30 cột hạ thế. Cùng với đường dây đã bị lũ cuốn trôi, việc cấp lại điện cho nhân dân vùng tâm lũ là vô cùng khẩn thiết.

Có vào tâm lũ mới thấy được sự tàn phá khủng khiếp của nước và những mất mát của bà con ở đây phải gánh chịu. Con đường dẫn vào xã Nậm Mười ngập trong lầy lội, vẫn còn bốc lên mùi tanh nồng của bùn, trộn lẫn với những thứ bị nước cuốn trôi. Bùn và cát ngập khắp sân vườn, ao cá, nhà sàn, nhiều ngôi nhà chìm ngập gần như hoàn toàn trong bùn nước, có những nhà gỗ bị cuốn trôi chỉ còn trơ lại cột. Người dân và các chiến sĩ bộ đội vừa dọn bùn từ những ngôi nhà, vừa tranh thủ lau dọn, sửa lại đồ dùng, nhà cửa. Những người phụ nữ vừa tranh thủ nấu nướng, giặt giũ trên sàn nhà bị lũ cuốn trôi, vừa quát mắng lũ trẻ đang vô tư chơi đùa trong dòng bùn nước. Sắc áo cam của anh em ngành Điện nổi bật trong một rừng áo xanh lá cây của những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), điểm những sắc áo xanh dương của các bạn trẻ thanh niên tình nguyện.  

Dẫn chúng tôi đi qua con đường lầy lội bùn, anh Hà - Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ chỉ cho tôi những khoảng cột và dây bị nước phá hủy. Nhìn những chiếc cột bê tông to bị quăng quật, đập gẫy tan tành chỉ còn trơ lõi thép, chúng tôi cũng phần nào hiểu được sức mạnh của nước lũ kinh khủng như thế nào. Đến bờ suối, chúng tôi phải dừng lại vì nước qua đập tràn, ngập không sâu nhưng chảy rất xiết, tuy lũ đã rút nhưng nước còn lại từ trên thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về mang theo đầy bùn, đá. Chúng tôi phải đi quá giang trên nóc một chiếc máy xúc mới sang được bờ bên kia. Đón chúng tôi ở bờ suối là anh Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Điện lực và các đồng nghiệp của Điện lực Nghĩa Lộ, cứ nhìn những bộ quần áo lấm lem bùn đất, hốc mắt thâm quầng và những đôi mắt vằn tia đỏ vì mất ngủ là có thể biết anh em đã bám trụ ở đây gian nan, vất vả biết nhường nào? 

Sau khi bốc dỡ vật tư từ trên xe xuống, Đội Thanh niên xung kích (TNXK) được người chỉ huy trực tiếp là anh Phạm Đình Đức - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty, chia nhỏ thành nhiều nhóm đi hỗ trợ cho anh em Điện lực Nghĩa Lộ khẩn trương phục hồi lại đường dây theo sự phân công của anh Tuấn. Nhóm tôi được giao cùng với một số anh em của Điện lực khắc phục lại đường dây hạ thế đã bị đứt tại một bản có cái tên khá lạ tai: Bản Cò Lỳ. Đây là một bản có khoảng 40-50 hộ dân toàn là người dân tộc Thái, không giống như người Mông làm nhà trên núi cao, người Thái luôn ăn đời ở kiếp cùng với dòng nước, bản Thái được dựng hai bên bờ con suối. Nối liền giữa hai bờ suối chỉ còn duy nhất một chiếc cầu bê tông là còn đứng vững, các cầu dân sinh khác đều đã bị lũ cuốn trôi. Lúc chúng tôi vào thì một nhóm người dân và các chiến sĩ bộ đội đang tranh thủ chuyền tay nhau từng hòn đá, từng bao cát để kè chân cầu. Cả bản chỉ còn cây cầu này là đường giao thông duy nhất nối giữa 2 bên. Con suối quanh năm vốn rất đỗi hiền hoà với người Thái, ấy vậy mà đến lúc lũ về thì như con thú dữ, cuốn phăng tất cả lúa ngô, hoa màu, nhà sàn của bà con.

Xe chúng tôi đi vào bản được chừng 1 km thì hết đường bê tông, con đường đất dẫn vào bản rất nhỏ và trơn trượt lại bị phá hỏng nhiều chỗ do nước lũ, xe không vào được. Anh em phải thay nhau gồng gánh vật tư đi bộ vào vị trí công tác. Hai bên đường người dân đang hối hả dọn dẹp nhà cửa, khơi thông nước, vét giếng, nhưng thấy sắc áo cam của chúng tôi đi qua thì ai cũng hỏi chào. Các bà, các mế vừa dọn nhà vừa hỏi thăm: “Thợ điện vào sửa điện cho bà con à, sửa nhanh lên nhé!"; “Thợ điện đi vất vả quá”; “Bao giờ thì có điện đấy các chú ơi”... và cười, tuyệt nhiên không một lời trách móc, phàn nàn, kêu ca nào. Bọn trẻ con đang chơi đùa thì bỏ cả trò nghịch cát và những cái bẹ chuối để đi theo chúng tôi. Phía trên cửa sổ nhà sàn là những ánh mắt nhìn rất vội nhưng đầy chờ mong của các em gái Thái nước da trắng như nếp Tú lệ và mái tóc dày chảy dài óng á như nước ngòi thia. Các cô, các chị, các em đang tranh thủ phơi ngô, khoai, sắn bị úng ngập đầy đường, nhưng vẫn dọn dẹp để nhường chỗ cho chúng tôi đi, những mẹt sắn, ngô và cả cơm nguội đã mốc xanh mốc đỏ nữa, khổ quá, thương quá, bà con ơi!

Đến được nơi làm việc thì cũng đã quá 3h chiều, mọi người ai cũng thấm mệt, nhưng tất cả vẫn quyết định làm luôn không nghỉ. Nhiệm vụ của chúng tôi là kéo lại đường dây cấp điện cho người dân thuộc trạm biến biến áp Nà La. Phương án đã được anh em Điện lực Nghĩa Lộ thảo luận từ trước nên rất nhanh chóng được thông qua. Thống nhất các biện pháp an toàn xong, chúng tôi bắt tay vào việc kéo dây, đường dây phải kéo qua cánh đồng lúa 2 bên bờ suối nhưng nguy hiểm và khó khăn nhất vẫn là con suối. Tuy đã qua đợt lũ nhưng nước giữa dòng suối vẫn chảy rất xiết, lòng suối lổn nhổn đầy đá và sỏi to. Những thửa ruộng hai bên bờ suối lúa đang lên xanh tốt nhưng đã bị lũ cuốn phăng, tất cả trôi theo dòng nước, mảnh nào nhẹ hơn thì cũng bị bùn cát lấp đầy, thân lúa ngả rạp và đổ ngang như bị đòn tre quét. Chúng tôi kéo dây qua bờ ruộng bên này suối ngập bùn, anh em bám vào sợi dây, oằn người, chân ngập sâu trong bùn đất, các ngón chân bấm vào bùn trơn trượt. Sợi dây càng dài thì lực kéo lại càng lớn, bám chặt tay, gò người, những đầu ngón chân đau nhói, cơ bắp nổi vồng lên, vai bị dây cáp xiết vào đau rát. Mặc, kéo một mạch đến bờ suối thì mũi mồm thi nhau thở, nhưng bây giờ mới là công việc gian nan nhất: Kéo dây qua suối giữa dòng nước xiết.

Hỏi thăm bà con dân bản thì chỗ nông nhất cũng đến bụng, nước chảy cuốn trôi theo rất nhiều đá trơn trượt, đi người không thì còn qua được chứ kéo dây thì khó mà qua nổi. Những mái đầu xanh chụm vào nhau: Nguy hiểm không-có! Khó khăn không-có! Làm hay rút về chờ đợi-làm... Sau khi đã kiểm tra lòng suối cẩn thận theo chỉ dẫn của bà con dân bản, “5 anh em trên một đường dây” bắt đầu tiến xuống nước. Nước chảy xiết làm cả 5 người loạng choạng nhưng rồi người sau đỡ người trước, cuối cùng cũng đứng được, đường dây chầm chậm được kéo dần ra xa. Nhưng sợi cáp vừa tiếp xúc với mặt nước thì sức đẩy của dòng nước xiết làm dây bị kéo phăng đi, người nghiêng ngả, oằn xuống dưới sức nặng, chẳng ai hô hào nhưng ai cũng đều hiểu bây giờ là lúc phải cố gắng bằng 200% sức lực, những bắp tay cuồn cuộn nổi sóng, tì dây vào lưng, vào vai mà kéo, anh em khuôn mặt đỏ căng, mồ hôi nhễ nhại lã chã rơi. “Bấm 5 đầu ngón chân cho thật vững nhé người anh em, có bị sỏi đá bị cắt vào đau nhói cũng đừng nhấc lên, chỉ cần một người tuột tay là tất cả bị hẫng không giữ nổi đâu, là công cốc hết đấy” - Mọi người đều nhủ thầm vậy.

Thợ điện cùng người dân vượt qua khó khăn kéo dây qua bên kia con suối dữ.

Đường dây được kéo chầm chậm đến giữa suối, càng ra giữa nước càng sâu và chảy mạnh, đồng thời, lực nước cuốn vào dây càng lớn, hai tay bám chặt dây đã tê dại, nước đến ngang bụng, người cố dướn lên để đứng thẳng trong dòng nước đã khó, các bắp chân căng cứng mỏi nhừ, mồ hôi tràn vào mắt cay xè, những đôi môi cắn chặt đến bật máu. Sức người cố gắng mấy thì cũng đến lúc cạn, đường dây chậm dần, chậm dần rồi không nhúc nhích nữa, anh em đang định bỏ cuộc quay lại tìm cách khác thì từ trong đám người xem có tiếng nói “giúp thợ điện kéo dây đi, không kéo được nữa rồi”. Có tiếng cười khúc khích, “thanh niên gì mà yếu thế”, “toàn người thành phố kìa”.  Anh Chiến - Điện lực Nghĩa Lộ lập tức hô to “Bà con xuống kéo dây giúp thợ điện đi, kéo nhanh để sớm có điện”. Ngay lập tức, 4-5 anh chàng người Thái cởi trần, đen trũi mặc mỗi quần đùi nhào xuống và kéo cùng chúng tôi. Đường dây được tiếp thêm sức dễ dàng băng qua được con suối. Mấy thanh niên còn tranh thủ kéo thêm cả khúc dây bị đứt dưới suối từ trước lên để “cho thợ điện nó nối lại’’.

Qua con suối lại là một tràn ruộng dài hơn bờ bên kia nữa mới đến trạm biến áp, lại kéo, lại bì bõm, lại thở. Kéo được dây đến trạm biến áp xong xuôi thì ai nấy đều mệt phờ, anh nào anh nấy mắt, tai, mũi, mồm thi nhau thở. Ngồi một lúc đỡ mệt thì lại đến khát cháy cổ, chúng tôi đánh liều lọ mọ vào nhà dân xin nước. Trong nhà chỉ có cô gái người Thái còn khá trẻ và mấy em bé. Cô gái đang thổi cơm tối nghe tiếng chúng tôi xin nước thì bê cả một nồi to nước mới đun sôi rồi lại vào vườn vặt mấy chùm nhãn sai trĩu mời mọi người. Cốc nước lúc này sao mà quý thế, chẳng những vì nó là cốc nước giữa ngày hè khi đang khát cháy cổ mà nó còn quý ở chỗ đó là toàn bộ nguồn nước sạch còn lại của gia đình cô. Sau trận lũ, các giếng nước đều bị lấp đầy bùn, cả nhà chỉ còn giữ được lưng bể nước sạch, tất cả nước ăn của cả nhà đều trông vào đấy, còn lại tắm giặt cũng phải dùng nước suối đục ngầu. Những chùm nhãn sai trĩu quả đang vào vụ chín rộ, cành nhãn nào cũng trĩu xuống mà không thấy ai hái. Hỏi thăm cô gái chúng tôi mới biết, cô là con dâu, chồng làm xây dựng dưới Hà Nội, còn cô cũng đi nấu cơm cho công trường, vừa mới biết tin nhà bị ngập hết nên cô mới về, còn chồng thì bận công trình không về kịp. Cô gái bảo: “Nhà neo người, chả có ai mà hái, cứ để nó rụng thôi, mà có hái cũng chẳng được bao nhiêu tiền đâu, người ta trả rẻ lắm, trước còn làm long chứ giờ chả ai mua làm long nữa rồi”. Đúng là khổ quá, qua trận lũ, bao nhiêu lúa, gà lợn đã trôi đi hết, thứ duy nhất người dân còn bòn đãi được từ cơn lũ là ít củi và gỗ vụn trôi về cùng dòng nước, còn cây nhãn cứ tưởng sai quả thế này sẽ đỡ đần được ít tiền thì lại bị mất giá. Rồi thời gian tới miếng ăn của cả nhà trông vào đâu? Ấy vậy mà đi từ đầu bản tới giờ, tôi thấy người dân vẫn hiền lắm, không hề thấy ai “Cò Lầm” hay “Cò Lỳ” như tên cái bản cả. Có lẽ bẩm sinh người Thái đã hiền lành như vậy rồi! 

Việc nặng nhọc nhất là rải dây đã xong, mọi người bắt đầu chia nhau làm các công việc đã quen thuộc, bắt đai, móc, kẹp hãm dây, lên dây trên cột. Nhưng sau một ngày di chuyển rồi lại làm luôn không nghỉ ngơi ăn uống, nên anh em cũng đã mệt lử, lên dây được trên cột và căng dây lấy độ võng xong thì trời đã tối hẳn, bây giờ chỉ còn đấu nối và đóng điện. Phần đấu nối vào đầu trạm được anh Nam “con’’ và anh Định (Điện lực Nghĩa Lộ) thực hiện, còn đấu nối trên cột phía bên này là anh Khánh - TNXK của Điện lực Yên Bình. Không có máy nổ, anh em phải kéo dây và đấu nối trong ánh đèn pha của xe máy và đèn pin soi ếch mượn của người dân. Tất cả bà con trong bản quây lấy chúng tôi để xem, những ánh mắt háo hức, chờ mong. 8h30’ tối, việc đấu nối đã xong, anh Hà Minh Tuấn lệnh chuẩn bị đóng điện. Chúng tôi thu dọn hiện trường, đảm bảo các biện pháp an toàn rồi cùng với bà con ngồi chờ đóng điện. Có lẽ bị cảm ứng bởi niềm mong chờ hay háo hức muốn chứng kiến thành quả công việc của mình, chúng tôi cũng háo hức chả kém gì bà con. 5 giây, 10 giây trôi qua…, rồi tất cả đèn bừng sáng. ‘’Có điện rồi”! Tiếng reo vang khắp nơi trong bản và cả chỗ chúng tôi làm. Tất cả người dân ùa về nhà, ai cũng vui mừng, bọn trẻ con thì reo hò ầm ĩ. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, xếp lên xe chuẩn bị rút quân. Nhìn nét mặt tuy mỏi mệt của những người thợ điện - những người đồng nghiệp, tôi nhận thấy trong mắt họ ánh nên niềm vui "lấp lánh".

Trong tôi bỗng trào dâng niềm hạnh phúc bởi tiếng hò reo “có điện rồi”, nó không chỉ âm vang nơi người dân bản nghèo vùng cao, mà nó cứ âm vang, đọng sâu trong trái tim tôi!


  • 13/08/2018 10:57
  • Nguồn: congnghieptieudung.vn
  • 1489