Thu ngân viên Huỳnh Tấn Phát: Từ đam mê công nghệ thông tin...

Anh Huỳnh Tấn Phát vốn là nhân viên thu ngân, nhưng do đam mê tin học, anh đã tự học, tự nghiên cứu tài liệu và lập trình nhiều phần mềm quản lý, hỗ trợ đồng nghiệp, mang lại hiệu quả cao.

Tò mò vì chưa biết máy vi tính...

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng đất Củ Chi, anh Huỳnh Tấn Phát (sinh năm 1978) đã có lúc tưởng phải nghỉ học. 14 tuổi ba mất, mọi công việc lớn, nhỏ đều đổ lên đôi vai gầy của mẹ. Chính vì thế, ngoài một buổi đi học, anh Phát tập trung phụ giúp mẹ công việc đồng áng. Nỗi khát khao muốn được học để thoát nghèo cũng chỉ giúp anh học được hết THPT. 

Anh Huỳnh Tấn Phát.

“Hồi đó, có biết ngành Điện là gì đâu”, anh Phát cười khi được hỏi về cơ duyên đưa mình đến với ngành Điện. Lý do khiến anh tham gia lớp sơ cấp về ghi chỉ số và thu tiền điện chỉ đơn giản là nghe theo bạn bè rủ rê. Những ngày đầu làm thu ngân viên lưu động, anh Phát thấy các anh chị thuộc khối văn phòng sử dụng máy vi tính rất thành thạo, in ra các bảng kê, các biểu mẫu rõ ràng, đẹp… anh rất mê và muốn tìm hiểu. Năm 1999, chưa có internet, Củ Chi cũng chưa có nhà sách chuyên sâu, anh Phát phải đạp xe hơn 40km lên Sài Gòn, tìm mua sách về tin học. Nhiều hôm, anh say sưa đọc sách đến 2-3 giờ sáng.

Sau đó, anh mạnh dạn mày mò tìm cách lập những phần mềm “nho nhỏ” phục vụ tìm kiếm, tra cứu thông tin tiền điện từ các file mềm của foxpro. Cứ thế, niềm đam mê lớn dần, lại được đồng nghiệp “đặt hàng”, anh lần lượt lập trình các chương trình hỗ trợ lập báo cáo số thu tiền điện, xác định số tồn dư sau mỗi ngày.

Hoàn cảnh khó khăn, chỉ được nghiên cứu qua tài liệu, sách vở, không có tiền mua máy tính, anh Phát không hề nản chí. Rất may, anh được Lãnh đạo Công ty biết đến và ủng hộ, tạo điều kiện cho anh được ở lại cơ quan sau giờ làm việc học cách sử dụng máy tính với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp.

Để bù đắp những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, anh vừa đi làm, vừa đi học. Học xong lớp kế toán tại chức, anh lại học liên thông Đại Học Duy Tân – ngành Quản trị - Kinh doanh; sau đó học tiếp lớp Trung cấp điện nông thôn… Anh Phát tâm sự: “Vốn quen với mọi công việc nặng nhọc của nhà nông, nên tôi không ngại khó. Hơn nữa, xuất thân từ cuộc sống nghèo khó, nay đi làm, có lương là quý rồi, tôi luôn tự nhủ phải làm việc hết mình, để công việc được thuận lợi cho mình, cho các anh, chị đồng nghiệp”.

Có lúc muốn trở lại...

Năm 2005, hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS 1.0 của EVN ra đời. Đến năm 2007, anh Phát được đơn vị chọn vào nhóm triển khai CMIS. Sau đó, anh được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Kiểm soát chỉ số và kiêm Quản trị hệ thống CMIS 1.0. Công việc quản lý rất mới đối với anh. Từ chỗ chỉ đơn thuần làm công việc thu ngân, giờ đây anh phải chịu trách nhiệm rất nhiều việc: Kiểm soát, phúc tra ghi số điện, phân công công việc cho mọi người trong tổ, lập báo cáo... Việc vận hành hệ thống CMIS 1.0 dùng chung cho cả đơn vị cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và yêu cầu trách nhiệm cao. Máy chủ chứa toàn bộ thông tin của hơn 85 ngàn khách hàng có thể xảy ra lỗi bất kỳ lúc nào. Nhiều kiến thức mới, anh phải mày mò tự học thêm, trong khi công việc thường nhật rất áp lực về khối lượng, chất lượng, tiến độ… Có lúc quá căng thẳng, anh Phát chỉ muốn xin… trở lại công việc thu ngân.

“Nhưng rồi, suy đi, nghĩ lại, tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”, anh Phát tâm sự. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với anh Phát là có lần máy chủ bị trục trặc nguồn gây ra lỗi dữ liệu, anh Phát phải cố gắng mày mò cả đêm sao chép dữ liệu ra thiết bị khác, chờ chuyên gia từ Sài Gòn về sửa giúp. Từ năm 2010 đến nay, tất cả máy chủ database đã được tập trung về Tổng công ty, anh Phát cũng bớt được gánh nặng về bảo quản máy chủ.

Với nhiều sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm phiền hà cho khách hàng, anh Phát đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Tổng công ty, của Tập đoàn Điện lực việt Nam và mới đây là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018).


  • 23/10/2018 03:29
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1296