Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận: EVN cần 15 ngàn tỷ đồng

Sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, EVN đang phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó vốn là vấn đề nan giải nhất. PV đã trao đổi với ông Lê Văn Chuyển - Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN về vấn đề này.

Ông Lê Văn Chuyển

PV: Ông có thể cho biết một số kết quả từ công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến hộ dân, tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Lê Văn Chuyển: Chỉ tính riêng trong 2 năm 2009-2010, các tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận lưới điện tại 4.010 xã để bán điện trực tiếp đến gần 4,9 triệu hộ dân nông thôn.

Như vậy, tính đến thời điểm này, EVN đã bán điện trực tiếp tới hộ dân nông thôn tại 7.100 xã (chiếm 79,3% số xã có điện trên cả nước) và số hộ dân nông thôn ký hợp đồng mua điện trực tiếp với các tổng công ty điện lực là gần 11,25 triệu hộ (chiếm 77,14% số hộ dân nông thôn có điện).

PV: Sau tiếp nhận, công tác đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp đã được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Văn Chuyển: Chỉ tính trong hai năm 2009-2010, mặc dù rất khó khăn về vốn, nhưng EVN và các tổng công ty điện lực đã đầu tư gần 3.500 tỷ đồng để sửa chữa cải tạo tối thiểu, bao gồm: Lắp đặt mới công tơ đo đếm điện năng; củng cố chất lượng lưới điện đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện...

Kết quả của những biện pháp bước đầu này đã làm chuyển biến rõ rệt chất lượng dịch vụ cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện ở nông thôn so với trước đây và đã làm giảm tổn thất điện năng khu vực tiếp nhận từ 25,14% năm 2009 xuống 20,91% cuối năm 2010. Tuy nhiên, để cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận, phấn đấu giảm tổn thất điện năng ở khu vực này xuống còn 15% vào cuối năm 2011, còn 10% vào năm 2015, EVN cần khối lượng vốn đầu tư khoảng 15 ngàn tỷ đồng .

PV: Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn, EVN có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Chuyển: Hiện EVN đang triển khai dự án nâng cao hiệu quả lưới điện phân phối nông thôn, vay 120 triệu EUR của Ngân hàng Tái thiết Cộng hòa Liên bang Đức (giai đoạn 2011-2013) và dự án lưới điện phân phối hiệu quả vay 330 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi trong nước cho EVN để thực hiện nâng cấp cải tạo lưới điện nông thôn đã tiếp nhận, để lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu điện cho sinh hoạt và phát triển sản xuất của các địa phương.

PV: Hiện vẫn còn một số hợp tác xã kinh doanh điện năng viện dẫn nhiều lý do để không bàn giao lưới điện cho ngành Điện. Theo ông, cần giải quyết tình trạng này như thế nào?

Ông Lê Văn Chuyển: Có một thực tế là, do được thụ hưởng chênh lệch giá điện quá lớn, một số HTX kinh doanh điện nông thôn, công ty cổ phần… đang hoạt động có điện cho ngành Điện, một số nơi còn bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.

Về phía các công ty điện lực, thời gian tới cần tích cực, chủ động hơn nữa trong việc kiểm tra thực hiện hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị đối với các tổ chức kinh doanh điện nông thôn để việc kinh doanh bán điện thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục phát hiện và báo cáo, đề xuất với UBND cấp tỉnh có hướng xử lý kịp thời đối với các tổ chức bán điện không đảm bảo điều kiện theo quy định, kể cả biện pháp phải ngừng cấp điện cho các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không đảm bảo điều kiện theo quy định của Nhà nước. Công tác này rất cần được UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan của địa phương vào cuộc một cách quyết liệt hơn.

PV: Cảm ơn ông!

Ông Lê Văn Chuyển cho biết:

“Từ thị trấn Phong Thổ (Lai Châu) đến xã Sì Lở Lầu chỉ khoảng 80 km, nhưng đi mất nửa ngày đường. Đường xấu đến mức chỉ có xe U-oát mới có thể đi được với tốc độ 15km/h.

Tuy là một xã, nhưng lại rộng mênh mông, toàn là đồi núi. Nếu áp dụng cách thức quản lý kinh doanh điện theo kiểu truyền thống thì rất khó. Anh em đi thu tiền điện đi cả ngày trời bằng xe máy, nếu không gặp chủ hộ phải quay trở ra thị trấn, sẽ mất trên nửa ngày. Vì vậy, tổ chức bộ máy như thế nào để quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa bàn là vấn đề mà EVN đang rất cân nhắc.”

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN đã bán điện trực tiếp đến:

• 100% hộ nông thôn tại 33 tỉnh, thành phố;

• 75% - 95% hộ nông thôn tại 8 tỉnh;

• 30-75% hộ nông thôn tại 19 tỉnh;

• Dưới 30% hộ nông thôn tại 3 tỉnh.

 


  • 22/12/2011 03:39
  • Theo TCĐL
  • 8692


Gửi nhận xét