Điện lực Thăng Bình (Quảng Nam): Tập trung xử lý an toàn điện nông thôn

Thực hiện đề án của Công ty Điện lực Quảng Nam về tiếp nhận bán lẻ điện đến hộ tiêu thụ, từ tháng 3/2009 đến nay, Điện lực Thăng Bình đã tiếp nhận hơn 400 km đường dây hạ áp và tổ chức bán điện trực tiếp khoảng 36.000 khách hàng qua 171 trạm biến áp trên địa bàn 2 huyện Thăng Bình, Quế Sơn.

Tính chung đến thời điểm này, đơn vị đã bán điện trực tiếp cho hơn 44.500 khách hàng - một khối lượng công việc quản lý gia tăng đột biến từ trước đến nay so với năng lực quản lý của đơn vị.

Theo ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Điện lực Thăng Bình, về năng lực quản lý đơn vị có thể cố gắng, nỗ lực khắc phục được, song đáng ngại nhất vẫn là chất lượng của đại đa số lưới điện hạ áp nông thôn và đường dây sau công tơ dẫn về hộ sử dụng điện đang xuống cấp trầm trọng, cần phải được cải tạo hoặc thay thế. Trước mắt, Điện lực phải tiếp tục tạm sử dụng hệ thống lưới điện này để bán điện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại Thông báo 141/TB-UBND, ngày 16/6/2009. Tuy nhiên, về lâu dài, đây là nguyên nhân của tình trạng gia tăng tổn thất điện năng và nguy cơ mất an toàn đối với khách hàng sử dụng điện và nhân dân.

Người dân làm ruộng dưới đường dây sau công tơ, sà sát xuống mặt đất

Do chi phí lớn, nên hầu hết các hộ dân đều sử dụng dây nhôm có tiết diện nhỏ, lại thêm một số vị trí trụ cuối hạ thế bu bám nhiều công tơ, nên hệ thống dây dẫn sau công tơ trở nên chằng chịt, mắc võng trên các trụ tre, gỗ mỏng manh. Đã thế, do thời gian sử dụng quá lâu, nên phần lớn dây dẫn đã bị oxy hóa, bong tróc vỏ nhựa, đứt nối nhiều chỗ, rất thiếu an toàn với người và gia súc.

Đơn cử một số trường hợp như ở xã Bình Quý, đường dây gần khu vực đường tàu hoả trông rất nhếch nhác, trụ nghiêng ngã, đường dây chùng sát xuống các thửa ruộng. Do khu vực này nằm trong dự án cải tạo theo nguồn vốn ADB kế hoạch 2012-2015 nên Điện lực Thăng Bình tiến hành gia cố, chằng chống tạm.

Hoặc tại khu vực xã Bình Trị, đoạn dọc theo Quốc lộ 14 E, hàng chục đường dây sau công tơ đu bám trên các trụ tre xiêu vẹo, sà sát xuống vỉa hè, có nơi kéo xa hơn 1 km mới đến được các hộ dân.

Ông Trần Minh Đức, ở thôn Châu Liêm, xã Bình Trị nói: “Người dân trong thôn chúng tôi, xóm dưới  kéo điện từ Bình Định, xóm trên thắp điện của Bình Trị, phía nào cũng xa gần 1000 mét. Đành rằng chất lượng điện không đến nỗi nào, song do kéo đường dây quá xa, lại mắc điện đã lâu năm, nên đường dây đã hư hỏng, tổn thất cao. Trước đây khi còn mua điện của Hợp tác xã, chúng tôi còn phải trả tiền điện gấp hai, ba lần số chữ mình dùng do phải chịu thêm phần tổn thất".

Ông Đức vừa nói, vừa chỉ tay về phía bờ ruộng cho biết, nơi đây đã có mấy con bò bị điện giật chết ngay trên bờ ruộng. “An toàn điện khu vực này không đảm bảo. Nhưng người dân làm ruộng, mùa màng thất bát thì lấy đâu ra một lúc mấy triệu bạc để thay thế đường dây? Vậy là họ cứ để liều như thế, khi nào hư thì sửa. Khi qua lại, làm ruộng dưới đường dây này, cánh nông dân chúng tôi rất cảnh giác đề phòng tai nạn” – ông Đức than phiền. 

Khi nêu vấn đề, đơn vị đã áp dụng các biện pháp nào để đảm bảo an toàn điện ở những khu vực đang là “điểm nóng”, ông Lê Văn Khoa cho hay: “Về lưới điện hạ áp thuộc trách nhiệm đơn vị quản lý vận hành, chúng tôi tập trung chấn chỉnh những nơi xuống cấp nặng, có nguy cơ sự cố; kêu gọi chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ, phối hợp phát quang hành lang tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thanh huyện, xã và phát tờ rơi đến hộ dân để cảnh báo mọi người phòng tránh tai nạn điện”.

Còn đường dây sau công tơ, theo ông Khoa, đơn vị đã gửi thông báo an toàn đến từng hộ cảnh báo nguy cơ mất an toàn và đề nghị thực hiện các biện pháp khắc phục như thay thế đường dây mới; xử lý những mối nối, vỏ bọc bong tróc; thay thế các trụ điện hư hỏng, xiêu vẹo; sắp xếp gọn các tuyến dây theo hướng dẫn của Điện lực.  

Theo nhận định của chúng tôi, hiện tại đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn, khó tìm đâu ra tiền để thay dây, trồng trụ, vì vậy trên thực tế đa số các hộ dân chỉ tập trung sửa chữa sơ bộ đường dây, chung tre, chung gỗ dựng trụ, tạm thời nâng cao tầm với của dây điện. Đây chỉ là giải pháp tình thế, nhưng cũng đã góp phần hạn chế được tai nạn điện cho người và gia súc. Về lâu dài, để xây dựng hệ thống điện đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, cần sự chung tay của chính quyền, ngành Điện và người dân thì công tác cũng cấp điện an toàn, ổn định mới thực hiện được.


  • 04/12/2011 03:16
  • Nhị Triều - Ngọc Hoàng
  • 17096


Gửi nhận xét