Diện mạo mới cho lưới điện hạ áp nông thôn

Sau khi hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, các đơn vị trong EVN đang tập trung cho “cuộc chiến” giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện nông thôn.


Công nhân Điện lực Văn Chấn đang thay công tơ lưới điện vừa được đầu tư cải tạo

Yên Bái: Giải quyết nhanh “điểm nóng” về tổn thất điện năng

Trước tháng 12/2008, Công ty Điện lực Yên Bái chỉ quản lý và bán điện trực tiếp cho người dân ở 48/153 xã trong toàn Tỉnh. Các xã còn lại mua điện từ các hợp tác xã, công ty TNHH và một số thành phần kinh tế khác.

Ở những nơi người dân không được dùng điện do EVN cung cấp trực tiếp, mặc dù phải mua với giá đắt hơn, nhưng chất lượng điện năng không đảm bảo, độ an toàn lưới điện không cao, thêm vào đó còn phải đóng góp kinh phí xây dựng đường dây và công tơ. Thiệt thòi nhất là người dân không được hưởng chính sách trợ giá của Nhà nước, không đảm bảo sự công bằng trong mua bán sử dụng điện giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Từ tháng 12/2008, Công ty Điện lực Yên Bái tổ chức tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán lẻ đến từng hộ dân trên địa bàn. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay toàn bộ lưới điện của 119 xã đã được bàn giao sang ngành Điện quản lý và ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho người dân. Tiến độ tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn được đẩy nhanh và đạt kết quả cao.

Một kết quả thể hiện rõ nỗ lực của Công ty Điện lực Yên Bái trong cải tạo lưới điện nông thôn là tỷ lệ tổn thất điện năng ở khu vực này đã giảm đáng kể, từ trên 30% (khi mới tiếp nhận) xuống còn 11%. Chất lượng điện năng cũng được cải thiện rõ rệt, nếu như trước đây vào giờ cao điểm, điện áp chỉ đạt 145-160V thì nay đã được tăng lên 206V.

Do nguồn vốn hạn hẹp, nên việc đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn mới chỉ đáp ứng được việc thay thế toàn bộ công tơ, còn việc cải tạo hệ thống lưới điện… vẫn là một bài toán khó. Tỷ lệ tổn thất lưới hạ áp nông thôn vẫn là một vấn đề “nóng” của Công ty.

Từ khi tiếp nhận đến nay, công tác giảm tổn thất kỹ thuật, tổn thất thương mại được Công ty giao chỉ tiêu đến từng điện lực, tổ chức thực hiện đến từng tổ sản xuất, nhóm và cá nhân với việc giao khoán gắn với việc trả lương hằng tháng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng khích lệ. Công ty phối hợp với lực lượng công an các huyện, thị, thành phố và chính quyền, nhân dân các địa phương trong việc bảo vệ lưới điện, chống trộm cắp điện đã phát hiện, xử lý truy thu từ trộm cắp điện được 145 triệu đồng. Công tác kiểm tra, giám sát khu vực thuê dịch vụ đại lý bán lẻ điện năng được tăng cường, thông qua việc thi tuyển đại lý dịch vụ bán lẻ điện năng đã tuyển chọn được những đại lý có năng lực, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của điện lực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tổn thất điện năng.

Lưới điện xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái sau khi có đầu tư cải tạo . Bên cạnh lưới cũ chưa kịp thu hồi      

Quảng Nam: 2 năm - 73 tỷ đồng cải tạo cơ bản

Quảng Nam có 364.500 hộ dân (97,8%) mua điện qua 290.000 công tơ. Sau tiếp nhận, đã có 83% mua điện trực tiếp từ các điện lực; những yếu kém, vướng mắc về điện nông thôn cũng được giải quyết một cách cơ bản trong 3 năm qua.

Năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam tái lập, việc cấp điện trên địa bàn còn nhiều khó khăn, bởi nguồn và lưới điện vừa thiếu vừa yếu và chỉ mới có hơn một nửa số hộ dân có điện. Là tỉnh thuần nông, doanh nghiệp không nhiều, khu công nghiệp chưa hình thành nên sản lượng điện năm 1997 khoảng 92 triệu kWh, trong đó ánh sáng sinh hoạt chiếm hơn 70%.

Thông qua nhiều dự án, ngành Điện đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng đường trục 35 kV-220 kV; tăng thêm 7 trạm biến áp 110 kV; 12 trạm biến áp 35 kV cùng hàng trăm trạm biến áp phụ tải cấp điện các khu công nghiệp, đưa điện về nông thôn, miền núi và cải tạo lưới điện các khu đô thị. Về phía tỉnh Quảng Nam cũng đầu tư nhiều dự án xây dựng lưới điện trung, hạ áp, mở rộng diện cấp điện. Sau 15 năm tích cực đầu tư, năm 2011 sản lượng điện tiêu thụ của Quảng Nam theo kế hoạch đã tăng hơn 9 lần so với thời kỳ mới tái lập Tỉnh. Nhờ đó, mục tiêu Đại hội Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam lần thứ XIX (2006-2010) được hoàn thành sớm trước một năm, với 95,4% xã; 97,8% hộ dân cùng với 18 nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ được cấp điện.

Tuy tăng về số lượng, nhưng công tác quản lý điện nông thôn thì rất phức tạp, trì trệ kéo dài. Từ lâu đã hình thành một quy định bất thành văn: Đầu tư lưới điện thì được kinh doanh điện. Vì thế, một bộ máy mua buôn, bán lẻ điện đồ sộ, thậm chí không chuyên nghiệp, không hợp lệ hoạt động khắp nơi. Nhiều tổ chức được mua buôn điện giá thấp, tự định giá bán khai thác siêu lợi nhuận, nhưng khi lưới điện hư hỏng người dân phải chịu mất điện dài ngày do họ không đủ năng lực sửa chữa cải tạo.

Ở đâu, người dân cũng than phiền về tình trạng lưới điện xuống cấp, mất an toàn, chất lượng điện kém là căn bệnh trầm kha. Giá điện thì nhiều loại, ngay trong một xã có 3 tổ chức cùng kinh doanh điện. Dân nghèo phải mua điện gấp 5-10 lần giá điện thành phố.

Trước thực trạng đó, vào năm 2002, UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành chấn chỉnh lại công tác quản lý điện nông thôn,với mục tiêu hạ giá bán điện xuống dưới mức 700 đồng/kWh. Cũng từ đấy, Điện lực Quảng Nam (nay là Công ty Điện lực Quảng Nam) được giao kế hoạch xóa bán tổng và tiếp nhận quản lý toàn bộ lưới điện trung áp. Đến năm 2008, đã có 80 nghìn hộ dân mua điện trực tiếp từ Công ty, được hưởng lợi như người dân thành phố. 

Từ tháng 3/2009, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Công ty Điện lực Quảng Nam triển khai đề án tiếp nhận bán lẻ điện đến hộ dân nông thôn. Đây là chủ trương hợp lòng dân, được dư luận đồng tình ủng hộ, mặc dù thực hiện chủ trương này, ngành Điện phải vượt qua rất nhiều khó khăn, về vốn, về quản lý …

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Tổng công ty Điện lực miền Trung, và nhất là do “sức ép” yêu cầu được mua điện đúng giá và hưởng chất lượng điện tốt từ phía khách hàng, nên đến tháng 6/2011 đã có 121 tổ chức bàn giao hơn 2.000 km đường dây hạ áp với 156.000 công tơ, chỉ còn 30 tổ chức được phép tiếp tục kinh doanh, mua buôn bán lẻ điện cho hơn 50 nghìn khách hàng. Được mua điện trực tiếp từ ngành Điện, người dân nông thôn ở Quảng Nam hết sức phấn khởi, hài lòng bởi phong cách phục vụ tận tình, giao tiếp có văn hóa của CBCNV ngành Điện.

Theo ông Phan Vũ Đông Quân - Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Điện lực Quảng Nam, hiện có trên 50% lưới điện hạ áp nông thôn đã xuống cấp. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân gây tổn thất điện năng. Hai năm qua, Công ty đã đầu tư 73 tỷ đồng thay công tơ, sửa chữa lưới điện mất an toàn. Tổng công ty cũng đã triển khai kế hoạch vay vốn ADB và KFW hơn 260 tỷ đồng để cải tạo 32 km lưới trung áp, 450 km lưới hạ áp, 30 trạm biến áp với khoảng 47 nghìn công tơ.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty cũng thể hiện quan điểm rất rõ ràng: “Lưới điện xuống cấp là thực tế. Công ty sẽ có trách nhiệm cải tạo để nâng cao độ tin cậy cấp điện cho dân, với mục tiêu đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết”.

Công ty Điện lực Quảng Nam từng bước lập lại trật tự kinh doanh điện nông thôn theo Luật Điện lực. Thống kê 9 tháng đầu năm 2011, khu vực nông thôn Quảng Nam tiêu thụ hơn 50% sản lượng điện với giá bình quân 1.058 đồng/kWh, thấp hơn giá thành 184 đồng/kWh. Ngoài ra, Công ty còn phải bán điện giá hỗ trợ 938 đồng/kWh cho khoảng 120 nghìn hộ nghèo, thu nhập thấp. Như vậy, dù đã điều chỉnh giá, kinh doanh điện nông thôn ở Quảng Nam vẫn bị thua lỗ. Đó là chưa tính đến việc ngành Điện phải đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo lưới điện nông thôn vừa tiếp nhận.

Công ty Điện lực Yên Bái sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn:

- 65.650 hộ dân được ký hợp đồng và bán điện theo giá quy định

- Đầu tư 296 tỷ đồng đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp lưới điện hạ áp ở các điểm xung yếu mất an toàn

-Công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp tính đến nay:

+ Thay 58.422 công tơ các pha

+ Thay 36 km dây 0,4 kV bằng cáp vặn xoắn bọc nhựa an toàn và sửa chữa hàng trăm điểm không đảm bảo an toàn ở các đường nhánh rẽ.

 


  • 19/12/2011 09:24
  • Theo TCĐL
  • 9320


Gửi nhận xét