PC Thừa Thiên Huế: Văn hóa 'cảm ơn' và 'xin lỗi'

Trong cuộc sống hàng ngày, “cảm ơn” và “xin lỗi” vừa là lời nói, vừa là hành động thể hiện phép lịch sự và văn hóa trong giao tiếp. Trong môi trường công sở, “cảm ơn” và “xin lỗi” lại càng có giá trị trong ứng xử, vừa là một thói quen, vừa thể hiện sự trân trọng của bản thân người nói đối với đồng nghiệp.

"Cảm ơn" và "xin lỗi" là biểu hiện của ứng xử có văn hóa. Tại PC Thừa Thiên Huế, điều này được đề cập trong bộ quy tắc ứng xử văn hóa, trở thành thói quen, phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp (qua văn bản, tin nhắn trên mạng liên lạc nội bộ eoffice, qua email…).

Trong môi trường làm việc công sở, CBCNV trong Công ty gồm nhiều độ tuổi khác nhau, trong công việc, mọi người luôn hỗ trợ, giúp đỡ cũng như trao đổi công việc thường xuyên, mỗi khi trao đổi xong, cuối câu luôn là lời cảm ơn. Đôi khi lời cảm ơn cũng đi kèm theo cả lý do cảm ơn, thể hiện sự cảm kích cũng như ghi nhận sự hữu ích của những thông tin đã trao đổi giữa hai bên. Lời cảm ơn không chỉ hình thành nên phép lịch sự mà còn giúp gắn bó giữa những người đồng nghiệp với nhau.

Bên cạnh đó, trong công việc, đôi lúc không thể tránh khỏi sai sót, nhầm lẫn, đó là khi chúng ta cần dùng lời xin lỗi để thể hiện những sai lầm và thiện ý sửa sai của bản thân.

“Xin lỗi” và “cảm ơn” ngoài việc được thể hiện trực tiếp còn được thể hiện qua những tin nhắn trao đổi công việc, qua email, các báo cáo… Mỗi khi kết thúc một bài báo cáo, hay một dòng tin nhắn, những dòng chữ “Trân trọng!”, “Trân trọng cám ơn!”… khiến người nhận cảm thấy mình được tôn trọng.

"Cảm ơn" và "xin lỗi" trong giao tiếp hàng ngày thực sự có sức lan tỏa, thậm chí nhiều lúc còn có tác dụng xoa dịu những vất vả thường nhật, những khó khăn trong công việc, tạo động lực để CBCNV phấn đấu hơn nữa.

Anh Trần Tân Tiến - công nhân Điện lực Hương Thủy chia sẻ: “Cuối năm 2017, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, tôi cùng nhiều anh em CBCNV PC Thừa Thiên Huế được cử đi giúp PC Quảng Bình khắc phục hậu quả của bão. Nhiều ngày vật lộn giữa đồng ruộng mênh mông và khô hạn, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để có thể sớm cấp điện trở lại cho bà con trong khung cảnh ngổn ngang sau bão. Mặc dù vất vả nhưng nhận được rất nhiều sự cảm kích cũng như lời cảm ơn từ anh em đồng nghiệp Công ty bạn, cũng như sự động viên từ nhân dân trong khu vực huyện Bố Trạch, Quảng Bình, chúng tôi như quên hết mệt mỏi để quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Đồng thời hằng năm, PC Thừa Thiên Huế đều tổ chức Tháng tri ân khách hàng với nhiều hoạt động tuyên truyền, từ thiện, giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đỡ vất vả hơn trong cuộc sống. Đây chính là lời cảm ơn chân thành của Công ty nói riêng và ngành Điện nói chung đối với các khách hàng sử dụng điện.

“Cảm ơn” và “xin lỗi” đã trở thành nét ứng xử văn hóa của PC Thừa Thiên Huế. Tuy chỉ là lời nói, hành động nhỏ nhưng việc sử dụng đúng lúc, đúng nơi vừa thể hiện sự chân thành, trân trọng các mối quan hệ đồng nghiệp trong công việc, trân trọng khách hàng, góp phần xây dựng nên một môi trường làm việc văn minh, thân thiện, gắn kết tất cả các thành viên trong Công ty với nhau.


  • 09/10/2018 05:02
  • Nguồn: EVNCPC
  • 1991