"Nhịn hoặc nghỉ việc" - một sự thật mà chỉ ai đi làm rồi mới biết

Đây cũng chính là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong công việc.

“Đợt đó chỉ vì trưởng nhóm đòi sửa lại báo cáo theo hướng khác hoàn toàn, mà còn phải nộp gấp nên tôi đã tranh cãi rất lâu, không đạt được thỏa thuận nên xin nghỉ việc luôn, sau này muốn quay lại làm vị trí khác nhưng phát hiện người đó đã lên trưởng phòng nên tôi ngại không nộp hồ sơ nữa”. Đó là lời chia sẻ của chị Lê Thúy khi nhớ lại kỷ niệm ở công ty đầu tiên.

Và không riêng gì chị Thúy, có rất nhiều bạn sẽ đã xử sự như vậy khi gặp tình huống tương tự. Thế nhưng, những người có kinh nghiệm lăn lộn trong giới công sở lâu năm lại không đồng tình lại cho rằng hành động như vậy quá bồng bột và thiếu tinh tế. 

"Hơn thua" để đòi lại công bằng hay là tư duy sai lầm

Đang làm việc tại một công ty tổ chức sự kiện ở TP.HCM, Yến Chi chia sẻ: “Nhiều khi đi làm mà bị sếp la mắng và bác bỏ ý tưởng hay phải sửa khác đi so với định hướng ban đầu, em rất ấm ức. Cũng hừng hừng khí thế phản biện đấy vì thật sự là mình không sai và mình đã dành rất nhiều tâm huyết để hoàn thiện”. 

“Chị trưởng nhóm của em cũng là gen Z nên chị còn khuyến khích chúng em phải chăm tương tác, tranh luận với nhau, thậm chí nếu không đồng tình với ý kiến của chị ấy thì cũng có thể nói. Em thấy điều này khá thoải mái bởi gần như giữa sếp và nhân viên không còn cảm giác e ngại hay sợ sệt và sẽ hiểu nhau hơn”, Phương Dung cho hay. 

Là quản lý của một phòng chức năng hơn 10 người, chị Đinh Duyên tâm sự: “Các thành viên team tôi thuộc nhiều lứa tuổi, đầu 9X, 10X có cả. Và sự khác biệt là những bạn đi làm lâu rồi thì rất bình tĩnh, thậm chí có lúc còn im lặng, không hề tỏ ra bất cứ thái độ nào dù cho có bất bình đến đâu. Trái lại, các bạn nhân viên mới thì hăng hái tranh luận, thậm chí có gì đó là kêu ca ngay”. 

“Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà tôi thấy được giữa hai thế hệ nhân viên, tuy rằng họ cũng chỉ hơn nhau vài ba năm kinh nghiệm. Nhưng thú thật, nhiều lúc tôi cũng thấy giật mình và ngỡ ngàng trước thái độ đối đầu của nhiều bạn trẻ. Dù ban đầu, sự góp ý của tôi có hơi gay gắt nhưng cũng chỉ là mong muốn sẽ có một kết quả tốt hơn chứ chưa hề có ý định chỉ trích hay đuổi việc bất cứ ai”, chị Duyên nói thêm. 

Hãy ngưng phàn nàn và tìm cách giải quyết

Đương nhiên, trong khi làm việc, dù là giữa 2 người, hay một nhóm người thì chúng ta cũng khó có thể mà tránh khỏi những bất đồng. Bởi, “chín người mười ý”, mỗi người đều có một tư duy, một góc nhìn riêng, không ai giống với ai. Nếu như không ai chịu nhún nhường thì những mâu thuẫn sẽ ngày càng được đẩy lên cao, khi tới đỉnh điểm rồi thì khó có thể đối mặt với nhau được nữa. 

Song, theo như những người đã nhiều năm đi làm, trải qua nhiều vị trí khác nhau như chị Thúy lại đưa ra một cách giải quyết khác: “Trước kia tôi cũng như nhiều bạn nhân viên mới, đã nghĩ rằng việc chúng ta lên tiếng, thể hiện sự bất bình về điều gì đó chỉ là muốn đòi lại công bằng cho chính bản thân, dù sao môi trường làm việc là bình đằng”.

“Giờ đây, nếu chính mình bị rơi vào những tình cảnh ấy thì chắc chắn tôi sẽ xử lý một cách nhanh gọn và thông minh hơn chứ chẳng đùng đùng nghỉ việc làm gì. Thật ra, nếu như đang ở trong môi trường tốt thì bạn nên nhìn theo một hướng tích cực hơn. Có thể, những lần bị chỉ trích, góp ý ấy cũng là một cơ hội để bạn được lắng nghe và học hỏi từ các đồng nghiệp”, chị Lê Thúy nói.

Đồng tình với quan điểm của chị Thúy, chị Đinh Duyên nêu ra suy nghĩ: “Thay vì cứ than vãn về những bất công, buồn phiền vì mong muốn về công việc không như ý, tôi cho rằng các bạn nên tìm ra cách giải quyết để làm sao phát triển ý tưởng, công việc của mình một cách hoàn hảo hơn. Sai nhiều, sửa nhiều, làm lại nhiều lần thì sẽ ghi nhớ và không mắc sai lầm tương tự nữa. Thay vì cứ gân cổ lên tranh cãi thì tại sao không nhìn vào những điều đó mà nâng cao kỹ năng chuyên môn của chính mình. Khi ấy, chắc hẳn bạn sẽ có giá trị và được mọi người coi trọng hơn”. 

“Có những lúc trong công việc xảy ra những điều khiến mình cực kỳ không thích và chỉ muốn bung tất cả ra cho vơi cơn bực tức trong lòng, nhưng mình lại suy nghĩ và chọn cách im ỉm. Thế mà lại hay, sau khi trải qua những phút giấy ấy mình nghĩ lại thấy rất bình thường”, chị Hà Huyền cho biết. 

Hay nói một cách ngắn gọn hơn, “hoặc nhịn, hoặc nghỉ việc” đã trở thành nguyên tắc quan trọng bậc nhất, quyết định đến sự tồn tại của một người trong môi trường công sở. 

Nếu bị chèn ép, thì sao? 

Tuy nhiên, những quan điểm nêu trên chỉ thực sự đúng với những ai đang làm việc trong môi trường công ty lý tưởng. Hoặc là một công việc khó có thể từ bỏ, mà đôi khi chỉ vì bị “dí deadline” hay nhiều việc quá, khiến bạn sinh ra bất bình. 

“Còn trong trường hợp bạn đã nhẫn nhịn quá nhiều thì hẳn sẽ có một ngày rơi vào tình cảnh bị chèn ép. Khi ấy, hãy cứ mạnh dạn mà rời bỏ, tìm đến một nơi tôn trọng công sức và giá trị của bạn hơn”, Hồng Hạnh nêu quan điểm. 

Link gốc


  • 01/01/2023 02:13
  • Nguồn: phunuvietnam.vn
  • 5371