Thấu hiểu nhân viên để không đào tạo vô ích

Thay vì đánh đố nhân viên bằng các câu hỏi vĩ mô, người quản lý hãy trao đổi, hướng dẫn đúng trọng tâm công việc, theo Betterhumans.

Rất nhiều nhân viên được cấp trên yêu cầu phải tham gia những buổi đào tạo tẻ nhạt, học nghề nhàm chán, thậm chí không liên quan đến ngành nghề họ theo đuổi.

Điều này không những làm tốn thời gian, mà còn khiến mọi người bối rối bởi không biết áp dụng bài học vào công việc thực tiễn ra sao.

Trong bài viết dưới đây, Betterhumans chia sẻ 5 cách để một người quản lý có thể đào tạo, bổ sung kỹ năng cho nhân viên của mình một cách hiệu quả hơn.

Xác định đối tượng học tập

Khi bắt đầu đào tạo một nhân viên, bạn cần phải hiểu rõ họ là ai và đang mong muốn được hướng dẫn những điều gì trong công việc.

Nếu chỉ thao thao bất tuyệt nói về những điều họ đã biết, bạn sẽ gây nhàm chán rất nhanh và biến lời nói của mình trở thành vô nghĩa.

Vì vậy, trước khi bắt đầu chương trình đào tạo, bạn hãy đặt ra những câu hỏi nhằm xác định “học sinh” của mình.

- Khả năng của họ đến đâu?

- Tại sao họ lại cần buổi đào tạo này?

- Bạn có mong đợi gì từ họ sau buổi hướng dẫn?

Không dông dài

Mọi người đều mong muốn bạn nhanh chóng đi vào những chủ đề chính bởi thời gian là có hạn.

Theo đó, bạn cần xác định được những thông tin quan trọng nhất và đưa chúng vào nội dung càng sớm càng tốt.

Ví dụ, khi hướng dẫn vận hành dây chuyền, tốt nhất bạn không nên nói quá nhiều, chiếm đến quá nửa chương trình về an toàn máy móc.

Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ cung cấp đầy đủ thông tin giảng dạy bao gồm nội dung thiết yếu, phụ trợ, minh họa... nhằm giúp nhân viên hiểu và thực hiện các nhiệm vụ của họ một cách dễ dàng hơn.

Đặt mình vào vị trí của nhân viên

Việc xác định nhu cầu học hỏi của nhân viên là rất quan trọng. Điều này giúp bạn tháo gỡ đúng vấn đề, đồng thời tìm ra được ý tưởng cho buổi đào tạo kế tiếp.

Ngoài ra, bạn hãy để ý mọi quan điểm, phản ánh mà nhân viên đưa ra bởi có thể đó cũng là vấn đề chung của cả nhóm.

Nếu bạn từng được đào tạo hoặc tham gia một lớp học nào đó trước đây, hãy cố nhớ lại những câu hỏi hay khúc mắc mà mọi người thường gặp phải để đưa chúng vào nội dung bài giảng.

Xây dựng nội dung qua hình ảnh

Cách tốt nhất để trình bày thông tin là biết ứng dụng video hay hình ảnh minh họa một cách thông minh.

Thay vì để màn hình slide của mình tràn ngập nội dung bằng chữ, bạn hãy cung cấp cho mọi người một số hình ảnh để họ có thể dễ dàng hình dung những gì cần phải làm.

Trong trường hợp bạn muốn giới hạn kích thước tệp trình chiếu hay nội dung khóa học, bạn có thể liên kết đến phương tiện đang được lưu trữ trực tuyến.

Tuy nhiên, để tránh làm lộn xộn nội dung, bạn không nên cố nhồi nhét quá nhiều thông tin vào một slide. Hãy đảm bảo tài liệu dễ đọc, hình ảnh rõ ràng và cố gắng giúp học sinh của mình hiểu rõ mọi thứ thông qua những phương tiện tốt nhất có thể.

Cho phép thực hành

Kiến thức chỉ được củng cố khi được áp dụng thực tiễn. Các bài kiểm tra kiến ​​thức hay xử lý tình huống giả định có thể là một cách hữu ích để bạn củng cố bài học cho nhân viên.

Thay vì chấm điểm và đánh giá trình độ của họ, bạn hãy sử dụng đây như một cơ hội để giúp họ nắm bắt những nội dung chưa hiểu.

Bạn hãy chuẩn bị một bài kiểm tra thật đơn giản, chuyên sâu vào đúng trọng tâm và không nên đánh đố với những câu hỏi ngoài lề.

Ngoài ra, bạn cũng có thể giao cho nhân viên những nhiệm vụ thực tế để họ ứng dụng bài học từ chương trình đào tạo.

Tùy thuộc vào tính chất của công việc, bạn có thể thử nghiệm dần dần với các dự án nhỏ. Từ đó, bạn sẽ biết được nhân viên của mình đang gặp khó ở đâu và làm sao để điều chỉnh.

Link gốc


  • 13/12/2022 10:36
  • Nguồn: zingnews.vn
  • 3135