Lợi và hại của… cạnh tranh

Dù cho công việc gì, ngành nghề gì thì cũng luôn tồn tại tính cạnh tranh trong công việc giữa các nhân viên. Vậy việc cạnh tranh trong công việc nơi công sở là động lực để giúp nhân viên phát triển hay là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa các nhân viên trở nên rạn nứt?

Những lợi ích 

Thúc đẩy sự tiến bộ của nhân viên, từ đó có động lực làm việc

Trong công việc, sự canh tranh giữa các nhân viên sẽ khuyến khích bản thân mỗi nhân viên đó luôn nỗ lực nhiều hơn, trở thành động lực để đạt được những kết quả tốt nhất. Môi trường làm việc cạnh tranh thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả làm việc, từ đó tạo ra chất lượng công việc cao hơn.

Khi nhân viên muốn chiến thắng, buộc họ phải đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, làm thật chăm chỉ để hoàn thành tốt công việc được giao. Trong quá trình làm việc, có thể nhiều người sẽ cảm thấy công việc của mình thật ra cũng rất thú vị, từ đó yêu nghề và gắn bó với nghề hơn.

Học hỏi từ những người xung quanh

Trong môi trường làm việc, mỗi con người lại có khả năng cá nhân và chuyên môn khác nhau. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy một bầu không khí thuận lợi cho việc học hỏi những điểm mạnh và chia sẻ về thất bại của nhau để cùng tiến bộ.

Những điều bất lợi 

Sự căng thẳng khi triển khai công việc

Cạnh tranh không lành mạnh có thể làm gây ra áp lực lớn và tăng mức độ căng thẳng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến cá nhân mỗi người bởi vì sự căng thẳng sẽ khiến khả năng tập trung của nhân viên giảm sút, làm nhụt chí tinh thần hăng say lao động, không đưa ra được những ý tưởng mới, làm trì trệ con người dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất và hiệu quả trong công việc.

Giảm sút tinh thần đồng đội

Cạnh tranh có thể gây bất hòa trong đội và làm giảm sút nghiêm trọng tinh thần tập thể. Khi một nhóm mất tinh thần, hiệu suất làm việc sẽ đi xuống.

Cạnh tranh có thể bộc lộ mặt ích kỷ trong mỗi người và điều này dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Bằng lý do cạnh tranh, giữa tập thể sẽ xuất hiện những gương mặt nổi bật, họ hành động như thể mình là “nhân vật chính”. Trong công việc nhóm được giao họ lại tự mình quyết định hướng đi theo suy nghĩ của bản thân và không màng tới ý kiến của những thành viên khác thì lúc đó khái niệm đội nhóm bị lãng quên. Sẽ nhanh chóng xuất hiên tình trạng mất tinh thần đồng đội. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau ở môi trường làm việc sẽ làm “xói mòn” đi tinh thần trách nhiệm. Khi đó, mọi nhân viên bắt đầu làm việc hướng tới những mục tiêu khác nhau, thay vì cùng đồng lòng hướng về một đích đến chung. 

Nhìn chung, cạnh tranh nơi công sở bao gồm cả mặt lợi và hại, do đó, nếu biết vận dụng đúng cách thì sẽ mang đến nhiều kết quả. Nếu sự cạnh tranh duy trì được tính công bằng, tích cực và lành mạnh thì nó sẽ góp phần làm tăng chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời có thể bồi dưỡng cho những mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trở nên gắn bó và thân thiết hơn. 
 


  • 10/09/2020 02:58
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9310