Chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp với điều kiện làm việc từ xa

Từ khi dịch COVID -19 xuất hiện, làm việc từ xa là một sự lựa chọn bắt buộc và dần dần đã trở thành một hình thức làm việc mới, được áp dụng rộng rãi trong cả nước, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp…

Những lợi ích của làm việc từ xa

Là giải pháp nhằm tránh lây lan dịch bệnh, là nguyên tắc đảm bảo sự an toàn cho cá nhân và cộng đồng, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp tại các khu vực trong thời gian dịch COVID-19 có nguy cơ lây nhiễm cao.

Giúp cá nhân và tổ chức tiết kiệm được thời gian, sức khỏe và tiền bạc… không phải di chuyển từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Đối với những người ở xa nơi cơ quan, thời gian đi lại thường từ 30 phút đến 1 giờ, nhất là trong điều kiện nắng nóng, bụi bặm mùa hè,… được làm việc ở nhà là một niềm hạnh phúc.

Nhân viên cảm thấy được tôn trọng tự do cá nhân, khuyến khích tinh thần làm việc độc lập, tự giác và tự chủ. Thay vì thái độ phải trông chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên và dựa vào tập thể, nhân viên phải tự mình làm phần việc nhiều hơn mới có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn. Qua đó, họ có nhu cầu và điều kiện học tập, phát triển năng lực bản thân.

Giúp cho người lao động có điều kiện quan tâm, chăm sóc nhiều hơn đến bản thân và các thành viên khác trong gia đình. Đây là điều kiện để mọi người tự nhìn lại mình. Cuộc sống không chỉ là chuyện cơm, áo, gạo, tiền, công danh…mà còn có các giá trị khác như, sự bình an, tình yêu, hạnh phúc...

Lối sống xanh, thông minh, tiết kiệm và sự an toàn, hạnh phúc. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các thành phố sạch đẹp hơn, nạn kẹt xe và tai nạn giao thông… thậm chí cả tội phạm cũng giảm nhiều hơn.

Thúc đẩy các cơ quan công quyền, doanh nghiệp (DN) chuyển đổi công nghệ, số hóa, tự động hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính, giấy tờ, con dấu, hạn chế nạn quan liêu, tham nhũng...

Ảnh minh họa

Hạn chế của phương thức làm việc từ xa là gì?

Điểm yếu đầu tiên của làm việc từ xa là sự khó theo dõi, giám sát, quản lý đối với nhân viên; họ có thể dùng thời gian làm việc để làm việc riêng.

Làm việc từ xa cũng khó cho người lãnh đạo, quản lý phát huy được tinh thần làm việc tập thể một cách tích cực và trí tuệ, có thể thấu hiểu và truyền cảm hứng cho nhân viên. Song mặt khác, lại giúp người quản lý nhân sự hiểu rõ chân giá trị và hiệu quả thực của nhân viên, hạn chế sự ảo tưởng, lầm lẫn về loại người nói hay, làm dở, thuộc dạng “mồm miệng đỡ chân tay”…

Quản trị DN từ xa, số hóa đòi hỏi lãnh đạo phải có một hệ thống quản trị khoa học, thông minh, thông tin kịp thời, tập trung vào việc đánh giá chính xác, minh bạch kết quả công việc, thành tích của mỗi cá nhân và đội, nhóm.

Họp trực tuyến, làm việc từ xa đòi hỏi DN phải đầu tư đồng bộ, đúng mức cho công nghệ thông tin – viễn thông, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực như chất lượng âm thanh, hình, đường truyền, an ninh mạng…

Văn hóa DN – Có cần thay đổi để phù hợp?

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và các yếu tố khách quan đã làm cho phương thức làm việc từ xa ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đây không chỉ là một cuộc cách mạng về kỹ thuật, công nghệ mà còn cả về phương diện quản trị nhân sự, đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo của hệ thống quản trị DN, tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, cần bổ sung, hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình quản trị DN, nhất là quản trị nguồn nhân lực, phù hợp với các yêu cầu, điều kiện làm việc từ xa, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, đạo đức và nhân văn. Việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật nhân sự… phải đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch.

Hai là, phải đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực, làm việc hiệu quả, độc lập, chủ động làm ra sản phẩm có chất lượng, chăm sóc khách hàng trong điều kiện online, trực tuyến, có thể làm việc 24/7. Mục tiêu cuối cùng là có được nhân sự khỏe mạnh, có kỹ năng và kỷ luật, biết cân bằng giữa công việc và đời sống, không ngừng phát triển bản thân, luôn tôn trọng và trung thành với sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của DN.

Ba là, DN cần đầu tư, quản trị một hệ thống công nghệ tốt. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, không chỉ các DN lớn, các DN vừa và nhỏ cũng cần chú trọng đến việc quản trị thông tin an toàn, ổn định, chất lượng, cố gắng lựa chọn đầu tư xây dựng các hệ thống có bản quyền, nhất là từ các DN công nghệ có uy tín trong nước.

Chuyển đổi sang công nghệ làm việc số hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đòi hỏi DN không chỉ xây dựng nền tảng công nghệ của mình mà còn phải có khả năng kết nối, tương tác dễ dàng và tin cậy với các cơ quan công quyền, với các khách hàng và đối tác ở trong và ngoài nước. Vì vậy, thực hiện thành công chính sách Chính phủ điện tử, chính quyền thông minh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia là điều kiện để các DN nắm bắt kịp các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi thành công phương thức làm việc và văn hóa doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới.


  • 08/06/2020 01:55
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1713