Hoạt động vì cộng đồng không phải để PR thương hiệu

Hoạt động vì cộng đồng - CSR được hiểu là trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) với môi trường tự nhiên, với nhà nước và với xã hội khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Thực tế cho thấy, các hoạt động vì cộng đồng nổi bật, kiên trì và không vì mục đích PR thương hiệu thuộc về nhóm các công ty lớn, có văn hóa kinh doanh đa dạng, hoạt động ở nhiều quốc gia.

Bản chất của hoạt động CSR là xuất phát từ trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức và pháp lý của DN: Khi tiến hành kinh doanh, DN đã sử dụng nguồn tài nguyên, nhân lực... tác động đến môi trường, vì vậy, khi thu được lợi nhuận, DN đương nhiên phải có trách nhiệm bù đắp và phát triển cộng đồng, xã hội - nơi đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho DN kinh doanh. Mục tiêu chung của các DN CSR là góp phần tạo ra một phương thức phát triển kinh doanh doanh bền vững. Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, phát triển DN bền vững thường được dựa trên 3 trụ cột là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng tự giác thực hiện nghĩa vụ này. Họ có thể đưa ra các lý do khác nhau để thoái thác trách nhiệm xã hội như: Đã trả lương cho lao động, đã đóng thuế và là DN nhỏ, còn nhiều khó khăn... Cũng vẫn còn những DN thực hiện hoạt động CSR một cách vụ lợi, hẹp hòi và ích kỷ, coi đó chỉ là một hình thức quảng cáo, hoặc tham gia một cách miễn cường, thiếu trách nhiệm và tính tự giác.

EVN tặng quà cho các bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Do vậy, các DN thực hiện CSR là các DN có lương tâm và có văn hóa kinh doanh. Triết lý hành động của họ là, phải đền đáp công ơn của của xã hội, hãy cứ cho đi rồi sẽ nhận lại, phải gieo hạt mới có mùa bội thu và gặt trái ngọt… Trách nhiệm với cộng đồng xã hội của DN bao gồm sáu loại hoạt động cơ bản sau đây:

- Hoạt động từ thiện: Là việc quyên góp tiền mặt, hàng hóa và dịch vụ giúp đỡ cho người nghèo, yếu thế hoặc cứu trợ những nơi bị thiên tai, bão lũ…

- Hoạt động tình nguyện: CSR do DN tổ chức nhằm bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng dân cư địa phương như trồng cây, thu gom rác thải, xây dựng cầu, đường, trường trạm…

- Kinh doanh sản phẩm có ích cho xã hội: Coi trọng các sản phẩm thiết yếu đối với cộng đồng, sản xuất và kinh doanh có đạo đức, giúp giải quyết các vấn đề khó khăn cho xã hội về ăn, ở, đi lại, học hành, điện, nước, cho các hộ nghèo…

- Xúc tiến, thúc đẩy các chiến dịch vì cộng đồng: DN tài trợ để thực hiện các chiến dịch đem lại lợi ích cho xã hội như trồng cây xanh, xây cầu, xây dựng nhà tình nghĩa, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em…

- Marketing có ý nghĩa xã hội: Tài trợ hoặc quyên góp dựa trên doanh thu bán sản phẩm. Đây là cách đã làm của một số DN, công ty lớn: Mua mỗi chai nước giải khát hoặc một hộp sữa, DN sẽ trích ra một vài trăm đồng cho Quỹ vì người nghèo...

- Marketing thay đổi hành vi xã hội: DN tài trợ cho các chiến dịch thay đổi hành vi của xã hội trở nên tốt đẹp hơn như: truyền thông về lối sống và tiêu dùng xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường; không dùng các đồ uống có bao bì bằng nhựa, khuyến khích sử dụng xe điện và các phương tiện vận tải công cộng…

Một số hoạt động vì cộng đồng nổi bật của EVN giai đoạn 2015 -2019:

- Xây dựng 43 “nhà bán trú dân nuôi” dành cho hộ nghèo; mở 03 lớp đào tạo nghề cho con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; xây dựng 02 trường học; Hỗ trợ 9,5 tỷ đồng thực hiện hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp; Mua bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong Chương trình hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại 03 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu.

- Tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và các chương trình ủng hộ biển đảo do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn LĐVN phát động hàng năm.

- Đóng góp gần 40.000 đơn vị máu cho ngân hàng máu toàn quốc trong chương trình Tuần lễ hồng EVN được tổ chức thường niên từ năm 2015 - 2019.

- Ủng hộ hơn 10 tỷ đồng/năm cho các địa phương, hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

- 11 năm liên tục là nhà tài trợ chính của chương trình “Giờ trái đất” tại Việt Nam từ (2008 – 2019).

 


  • 27/12/2019 03:02
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4652