Doanh nghiệp tiếp cận giải pháp xanh qua mô hình ESCO

Mô hình công ty cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO) là một trong những giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang bước đầu được triển khai tại Việt Nam.

Lợi ích kép

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học công nghệ (KHCN) sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ESCO có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Với việc áp dụng ESCO các danh nghiệp (DN) có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí rẻ nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Mô hình này còn giúp các DN có thể tham gia các chương trình, dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đây chính là lợi ích kép với DN.

Với việc áp dụng ESCO các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí rẻ nhất và đạt hiệu quả cao nhất - Ảnh: Thành Trung.

Đánh giá của Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho thấy thị trường cho ESCO tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đang khởi sắc. Các lĩnh vực có thể đầu tư ESCO là chiếu sáng công cộng, tòa nhà thương mại và dịch vụ, sản xuất công nghiệp, hệ thống phân phối điện, năng lượng tái tạo.

Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam có hơn 100 tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Trong đó, đáng chú ý là một số DN đã đăng ký hoạt động ESCO như: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư năng lượng Việt – VIET ESCO; Công ty CP VES; Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa - Solar BK; Công ty CP Dịch vụ năng lượng Kassati Esco; Công ty TNHH phát triển năng lượng Systech.

Theo Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, thuận lợi đối với hoạt động ESCO là Nghị định 21/NĐ-CP ngày 29/3/2011 hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng và ESCO.

Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thực hiện triển khai mô hình ESCO có thể thấy như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn từ 2014 - 2016 đã triển khai 7 dự án ESCO trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giàn nước nóng năng lượng mặt trời công nghiệp nhằm chia sẻ mức tiết kiệm và đảm bảo mức tiết kiệm năng lượng cho khách hàng. Thời gian hoàn vốn của các dự án này từ 4 - 5 năm.

Kết quả thực hiện cho thấy, tất cả các khách hàng đều đánh giá tốt mô hình ESCO. Cụ thể, đại diện Khách sạn Siva cho biết sau khi áp dụng mô hình ESCO, mức tiết kiệm năng lượng hàng tháng đạt từ 80 -90%, cao hơn mức tiết kiệm tối thiểu 60% theo cam kết trong hợp đồng.

Công ty VIETESCO là đơn vị thực hiện thành công một số dự án ESCO. Tiêu biểu như dự án ESCO tại khách sạn LEGEND Sài Gòn với việc áp dụng các giải pháp thay thế lò hơi cũ bằng lò hơi hiệu suất cao, lắp bơm nhiệt hiệu suất cao cung cấp nước nóng cho khách sạn… đã góp phần giảm chi phí trên 2,1 tỷ đồng/ năm cho khách sạn LEGEND Sài Gòn. Dự án đầu tư kho lạnh hiệu suất cao tại Công ty Dược VINAVETCO cũng giúp khách hàng tiết kiệm chi phí trên 4,4 tỷ đồng/ năm.

Những “rào cản” cần được khơi thông

Từ thực tế triển khai các dự án ESCO ở Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty VIETESCO cho rằng vẫn còn bất cập trong phát triển dự án ESCO. Đó là mất nhiều thời gian trong việc xây dựng phương pháp luận tính toán mức tiết kiệm năng lượng của khách hàng. Nhiều khách hàng không có hệ thống quản lý năng lượng (EMS) làm phát sinh chi phí…

Luật Đấu thầu chưa quy định hồ sơ gói thầu ESCO. Vì vậy, khi đấu thầu không thể cạnh tranh về giá. Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có cơ chế cho vay, chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án ESCO. Thị trường ESCO còn khá mới mẻ nên khách hàng còn thiếu thông tin; dự án ESCO khó tiếp cận khách hàng sử dụng ngân sách Nhà nước…

Để tháo gỡ những rào cản này, theo ông Nguyễn Ngọc Nhất, cần đẩy mạnh truyền thông về mô hình ESCO đến khách hàng; có cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho dự án ESCO trên thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm quyền nên ban hành các quy định, tiêu chí về cấp chứng nhận, có cơ chế vay và bảo lãnh thanh toán đối với dự án ESCO; thiết lập kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ, các quỹ, xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa DN và công ty ESCO với các tổ chức tín dụng.

ESCO là mô hình theo đó, một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng (như thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro) nhằm giúp khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí sản xuất.

Đây là mô hình thuộc dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ với sự chủ trì của Bộ Công Thương.

 

 

 

 


  • 29/03/2017 03:07
  • Toàn Thắng
  • 4510