Nhà máy sản xuất điện từ rác độc đáo nhất ở Việt Nam

Như có duyên nghiệp với… rác, với hơn 16 năm gắn bó trăn trở trong lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Gia Long (Hà Nội) đã phát minh ra công nghệ biến rác thải thành năng lượng phát điện.

Hô biến” rác thải thành điện 

Đi qua cổng Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) chừng 100 mét, trên trục đường chính của khu công nghiệp có hàng cột điện thắp sáng cả ngày lẫn đêm. Bất cứ ai đi qua cũng than phiền bởi sự lãng phí. Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã mục sở thị “nơi lãng phí” này. 

Bước vào cổng nhà máy, phía trong hàng cột điện thắp sáng là  hệ thống máy phát điện chạy cả ngày lẫn đêm. Khi chúng tôi đến, một người đàn ông tóc hoa râm, chừng 50 tuổi đang cần mẫn kiểm tra từng công tắc, điều khiển nút ấn máy phát điện, đường ống, van xả khí. Người đàn ông ấy – kỹ sư Nguyễn Gia Long chính là chủ của nhà máy lãng phí điện thắp sáng, người được mệnh danh "hô biến rác thải thành điện".

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Long vừa giới thiệu về quy trình khép kín của hệ thống dây chuyền điện rác. Phía cuối khuôn viên nhà xưởng công ty – nơi chiếc xe chở rác sinh hoạt vừa đổ xuống. Công nhân điều khiển máy xúc, chuyển từng đống rác lớn thả vào máy cắt. Thủy tinh, sành sứ, gạch đá…vỡ vụn.

Túi rác lớn xen lẫn ni lông đảo trộn, xé bung, nhả xuống băng tải. Vừa xé bung rác, cũng là lúc rác được ép khô. Dưới đáy máy cắt là đường ống dẫn toàn bộ nước thải vào hầm chứa bioga.

Đoàn công tác của Bộ KH&CN thăm công trình biến rác thải thành điện

Theo đường chuyền của băng tải đổ vào máy phân loại. Rác trọng lượng lớn, kích thước nhỏ như thủy tinh, sành sứ, tro gạch… lọt qua lỗ sàng, rơi xuống băng tải vận chuyến ra ngoài. Cạnh đó, một bàn từ động hút hết kim loại để không gây mòn, kẹt máy móc trong dây chuyền. 

Theo chân ông Long, chúng tôi đến công đoạn tách tuyển nilon. Vào đến đây, những nilon trong rác được thổi bung ra phía ngoài, chỉ còn lại rác hữu cơ… đi tiếp trên băng chuyền đến máy vắt ép. Hữu cơ mô mềm của rác và nước được tách thành dịch bùn hữu cơ lỏng đưa vào hầm chứa bioga, phối trộn hóa chất để phân hủy kỵ khí. 

“Từ đống rác hôi thối ban đầu đến công đoạn này, xơ bã rác khô cong, nhẹ, mỏng và hoàn toàn không có mùi”, vừa giới thiệu ông Long vừa dùng tay bốc từng đống rác lên ngửi để chứng minh cho chúng tôi thấy.

Quả đúng là tai nghe mắt thấy cả quy trình, tôi mới dám tin đống rác ướt át, hôi thối vừa nãy đã khô, không mùi. Nhìn hành động của ông Long chúng tôi chợt nhớ đến lần Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đến thăm dây chuyền, ông Long tự tin cầm đống rác để Bộ trưởng chứng kiến.

Cạnh đó, công nhân thoăn thoắt dùng gầu tải đổ vào phễu chứa và đẩy vào lò khí hóa đa nhiên liệu. Cửa van tự động đóng để khí  ga không tràn ra ngoài. Với nhiệt độ phù hợp sẽ phản ứng chuyển hóa đống xơ bã rác thành khí tổng hợp syngas.Dòng khí syngas đi qua lớp than hồng, lắng bụi và thoát ra ngoài, qua hệ thống lọc rửa khí, lúc này chỉ còn nhiên liệu sạch để chạy động cơ đốt trong. Khí sẽ được chứa trong hệ thống bồn chứa trước khi cung cấp cho động cơ đốt trong của máy phát điện. 

Khí đưa vào máy phát điện, tạo nên dòng điện phát sáng suốt ngày đêm cho nhà máy. Đặc biệt, toàn bộ dây chuyền được điều khiển bằng hệ thống máy móc tự động. Dây chuyền điện rác với công suất chế biên 200 tấn rác/ngày chỉ cần 10 công nhân điều khiển ở các công đoạn. Nếu không tận mắt thấy, chúng tôi không thể tin từ đống rác thải nguy hại, qua bàn tay kỹ sư Long trở thành nguồn điện phát sáng. Một sáng kiến từ bàn tay khối óc của con người Việt Nam.

Ông Long bộc bạch: “Nguyên lý đơn giản vậy mà phải mất đến 16 năm, qua hàng chục lần thất bại, tôi mới nhận ra”. Cũng không hiểu tự bao giờ, ông Long có một niềm đam mê với… rác. Nhìn khối lượng rác khổng lồ thải ra mỗi ngày, ông luôn trăn trở tại sao không biến thành “vật có ích”.

Sau nhiều lần thất bại với sản phẩm từ rác, cuối cùng ông nghĩ ra việc chuyển đống rác rưởi bẩn thỉu thành điện năng. Hơn nữa, năng lượng điện ai cũng cần sử dụng, và dây chuyền máy móc chế biến rác thải thành điện năng ra đời từ đó. Và dòng điện chế biến từ rác của ông Long được hòa vào lưới điện phát sáng của Khu công nghiệp Đồng Văn. 

Trăn trở để được “ra với đời”

Để có được hệ thống hoàn chỉnh, ông Long phải bỏ ra hàng triệu đô la vốn liếng. “Đứa con” ông “thai nghén” suốt 16 năm cũng nhận được sự chào đón của xã hội.

Người đứng đầu UBND tỉnh Hà Nam từng “xung phong” hỗ trợ đất đai, mặt bằng để xây dựng nhà máy điện rác. Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM sau khi tham quan dây chuyền cũng đặt hàng ông Long để giải quyết vấn đề rác. Hơn nữa, rất nhiều đối tác nước ngoài sẵn sàng đặt mua công nghệ của ông Long. “Công nghệ điện rác của anh Long khác biệt bởi nó phù hợp với đặc trưng rác thải hỗn hợp của Việt Nam. Công nghệ chuyển giao của nước ngoài đều không sử dụng được do rác Việt Nam lẫn cả vô cơ, hữu cơ mà công đoạn phân loại rất khó khăn” -  Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đánh giá về công nghệ điện rác. 

Nhưng rồi sau tất cả gian khó, “đứa con” của ông Long không thể ra thị trường bởi thiếu “giấy khai sinh”. Dù có chứng nhận sáng kiến khoa học, có đầy đủ biên bản kiểm tra môi trường an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn nhưng dây chuyền của ông Long chưa được cấp giấy chứng nhận của Bộ KHCN nên không đủ điều kiện để bán cho đối tác.

Trong lần gặp Bộ trưởng Bộ KH&CN gần đây nhất, ông Long giãi bày: “Tất cả công sức của em đã đặt vào dây chuyền nhưng “đứa con” chưa được khai sinh, chẳng thể bàn giao cho đối tác. Kính mong Bộ KH&CN cấp “giấy khai sinh” cho công nghệ được vận hành”.

Một vị cục trưởng của Bộ KHCN cũng thừa nhận: “Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có giấy phép nào cấp cho quy trình của ông Long”. Ngay lập tức sau câu trả lời, Bộ trưởng KHCN yêu cầu: “Người dân, doanh nghiệp đã tìm ra công nghệ tốt. Cơ quan chức năng phải dựa trên hành lang pháp lý để giúp công nghệ được phổ biến rộng rãi hơn. Chứ không phải không có thì không cấp phép”.

Hy vọng với những sáng chế hữu ích như vậy, ông Long cùng “đứa con” sau 16 năm “thai nghén”, sẽ không còn mòn mỏi chờ “giấy khai sinh.


  • 21/01/2017 12:21
  • Theo: Tài nguyên & Môi trường
  • 10371