Estonia, đất nước nhập khẩu... rác

Để có đủ nguyên liệu hoạt động liên tục cho nhà máy xử lý rác thải thành điện năng, Estonia đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác.

Sáu năm trước đây, 2/3 lượng rác thải gia đình tại Estonia đều chất đống tại các bãi rác. Các nhà máy xử lý rác thải thành năng lượng đã được Tập đoàn Ragn-Sells triển khai xây dựng tại thành phố Tallinn và tại bãi rác Jõelähtme.

Theo báo cáo về tình hình rác thải của Cơ quan môi trường Estonia (JATS), năm ngoái tổng lượng rác thải thu thập từ các doanh nghiệp và gia đình là 395.516 tấn rác. Hơn một nửa số này tập kết tại các bãi rác hoặc được đưa vào tái chế. Phần còn lại được đốt để vận hành Nhà máy điện Iru, vốn cần tới khoảng 245.000 tấn rác trong năm 2015.

Nhà máy điện Iru - Ảnh: Eesti Energia

Do đó, ngoài số rác sẵn có trong nước, Công ty Eesti Energia sở hữu Nhà máy điện Iru đành phải nhập khẩu rác. Theo nhật báo Eesti Paevaleht của Estonia, chỉ tính riêng năm ngoái Estonia đã nhập khẩu khoảng 56.000 tấn rác thải. Nguồn rác nhập khẩu này chủ yếu đến từ Phần Lan hoặc từ các quốc gia và vùng lãnh thổ xa hơn như Ireland.

Ông Raine Pajo, thành viên ban giám đốc của Nhà máy điện Iru, cho biết lượng rác thải nhập khẩu này thường được dùng để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt rác nguyên liệu cung cấp cho lò xử lý của nhà máy.

Cũng theo ông Raine Pajo, lượng rác nhập khẩu mang lại lợi ích kinh tế tốt hơn cho Estonia. Ông nói: “Thành thực mà nói, việc xử lý rác cho nước ngoài thu được lợi nhuận cao hơn”. Tuy nhiên ông không phân tích cụ thể vì sao như vậy.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 50 xe tải chở rác của nhiều công ty khác nhau sẽ tập hợp quanh các cổng của nhà máy điện Iru để đổ rác vào khu bể chứa nguyên liệu của lò xử lý. Kích cỡ của lò này có thể chứa lượng rác đủ làm nguyên liệu hoạt động trong khoảng một tuần liên tục của nhà máy. Trong trường hợp lượng cung rác thải trong nước không đủ, nhà máy sẽ nhập khẩu rác từ nước ngoài để đảm bảo lượng nguyên liệu này luôn ổn định cho hiệu suất xử lý của lò đốt.

Tuy nhiên theo bà Katrin Kaare - chuyên gia phụ trách vấn đề rác thải thuộc JATS, thực tế này không có nghĩa là Công ty Eesti Energia có thể tùy ý muốn nhập bao nhiêu rác thải của nước ngoài cũng được.

Việc nhập khẩu rác ở Estonia được quản lý rất chặt chẽ, tất cả công ty muốn tiến hành việc này phải nộp đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu rác. Đồng thời, Chính phủ Estonia cũng đã quy định rất rõ ràng, trong mọi trường hợp họ cần phải xử lý hết rác thải trong nước rồi mới được cấp phép nhập khẩu rác của nước ngoài.

Trên thế giới, cùng với Estonia, Thụy Điển cũng là quốc gia đã và đang nhập khẩu rác thải từ nước ngoài để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy xử lý rác thành nhiệt và điện năng. Mỗi năm trung bình Thụy Điển nhập khẩu 80.000 tấn rác từ một số nước, trong đó có Na Uy, Anh.

Theo thống kê của Hiệp hội Quản lý rác thải quốc gia Thụy Điển, trên toàn lãnh thổ nước này có 950.000 hộ gia đình dùng hệ thống sưởi bằng năng lượng từ xử lý rác thải. Rác thải cũng là nguồn cung cấp điện năng cho 260.000 hộ gia đình trên cả nước.

Thống kê tổng quát cho thấy Thụy Điển tái chế gần một nửa (47%) lượng rác thải, xử lý 52% rác thành nhiệt năng và chỉ còn gần 1% rác bị chôn lấp. Một số nhà máy xử lý rác của Đức cũng đang phải nhập khẩu rác từ các nước láng giềng như Ý, Anh, Ireland, Thụy Sĩ và nhiều nước khác.

Từ thực tiễn này có thể thấy cùng với các biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lợi từ việc đốt xử lý rác, các quốc gia trên thế giới cũng đang đẩy mạnh ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích việc tái sử dụng và tái chế rác để môi trường ngày càng xanh, sạch hơn một cách bền vững.

Đi đầu về bảo vệ môi trường

Phong trào dọn sạch môi trường có tên Let’s Do It! World Cleanup là sáng kiến khởi nguồn từ Estonia vào tháng 5-2008. Trong dịp đó, 50.000 tình nguyện viên trên toàn lãnh thổ Estonia đã cùng tham gia chiến dịch làm sạch đất nước.

Trong năm giờ đồng hồ, họ thu gom được 100.000 tấn rác, tương đương với lượng rác dọn trong ba năm. Kể từ đó, chương trình Let’s Do It! World Cleanup nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ cộng đồng thế giới. Tới nay đã có 112 quốc gia và 13 triệu người dân toàn thế giới tham gia sáng kiến này.

Năm 2011, tổ chức phi chính phủ Let’s Do It! World được thành lập và hiện là thành viên của UNEP - Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.

Không chỉ đi đầu về chiến dịch bảo vệ môi trường, thu gom rác, Estonia cũng trở thành mẫu hình tiêu biểu trong việc tái sử dụng, tái chế rác theo những cách rất thú vị và đáng học hỏi.

Từ quan điểm đồ bỏ đi của người này rất có thể là vật quý với người khác, nước này cũng là nơi xuất hiện các mô hình kinh doanh đặc biệt như Công ty HoseWear chuyên dùng vỏ ống dẫn nước cứu hỏa cũ để làm túi xách, Công ty Derelict Furniture chuyên dùng các vụn gỗ công nghiệp hoặc đồ gỗ cũ để tạo ra các món đồ nội thất độc, lạ...


  • 11/10/2016 10:09
  • Theo: tuoitre.vn
  • 4029