ESCO thúc đẩy tiết kiệm năng lượng

Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất.

Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) của Việt Nam là rất lớn. Theo khảo sát cho thấy, xi măng là ngành có tiềm năng TKNL lớn nhất, khoảng 50%. Trung bình, nguồn năng lượng có thể tiết kiệm trong lĩnh vực công nghiệp là trên 20%; Xây dựng, giao thông vận tải từ 25-35%; Sinh hoạt, dịch vụ là 15-30%…

ESCO hóa giải rào cản: kỹ thuật và tài chính

Để thực hiện thành công việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vấn đề về kỹ thuật và tài chính là 2 yếu tố then chốt. Đây được coi là những khó khăn mà các DN gặp phải khi triển khai. Mô hình ESCO ra đời đã giải quyết được vấn đề này.

ESCO cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng hiệu quả, là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với tổ chức ngân hàng và các DN – người triển khai thực hiện các giải pháp. ESCO là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án TKNL, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng…

ESCO sẽ thực hiện gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp tài chính…

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã trở thành quy định bắt buộc và được luật hóa tại Việt Nam. ESCO nằm trong các biện pháp quan trọng để triển khai kế hoạch hành động quốc gia về TKNL. Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ mới với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nó còn giúp DN có điều kiện tham gia các chương trình/dự án quốc gia và quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện chính sách thúc đẩy ESCO

Theo ông Hiệp, để hình thành công ty ESCO, cần bảo đảm năng lực về tư vấn, thiết lập được mạng lưới hợp tác về tài chính và đảm bảo tài chính, thiết lập mạng lưới cung cấp công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Cũng theo ông Hiệp, mặc dù có tiềm năng lớn và đang trong giai đoạn khởi sắc, nhưng thị trường cho ESCO tại Việt Nam vẫn có những trở ngại nhất định. Chẳng hạn như, hiện vẫn thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và triển khai các dự án TKNL; chưa có nhiều quỹ, tổ chức tài chính tham gia các hoạt động ESCO; các khách hàng vẫn chưa tin tưởng, chỉ quan tâm đến việc tăng doanh số hơn là giảm chi phí thông qua TKNL; các quy định đầu tư cho các dự án TKNL còn mang tính khuyến khích, chưa có những quy định bắt buộc…

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban kinh doanh EVN cho rằng, để thúc đẩy hoạt động ESCO tại Việt Nam, ông Nguyên cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, marketing về ESCO. Đồng thời, thành lập và phát huy vai trò hỗ trợ của Hiệp hội ESCO. Và điều quan trọng nhất đó chính là vai trò của người đứng đầu DN trong áp dụng mô hình này vào hoạt động của DN.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy ESCO. Bên cạnh đó cần xây dựng các cơ chế tài chính bền vững, xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa DN – Công ty ESCO và tổ chức tín dụng…


  • 15/03/2017 04:30
  • Theo enternews.vn
  • 2785