Truyền thông tiết kiệm điện trên báo chí: Những con số chưa biết nói

Trên thực tế, những bài viết về tiết kiệm điện nhiều năm qua ít được đầu tư. Vì vậy, nội dung thường nhàm chán và lặp đi lặp lại theo báo cáo, thậm chí, chỉ cần thay đổi số liệu cho phù hợp với thời gian. Chính vì vậy, truyền thông về tiết kiệm điện chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở một xóm trọ nhỏ cho sinh viên gồm 8 phòng tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm - Hà Nội, chỉ riêng điện năng thắp sáng sân phơi chung và nhà vệ sinh (2 bóng đèn tuýp) đã lên tới gần 30 kWh/tháng. Những sinh viên sống tại đây bật đèn nhà vệ sinh 24/24h. Một sinh viên than thở: “Một tháng chủ nhà thu mỗi người 60.000 đồng tiền điện thắp sáng, quá cao! Nhưng tìm phòng trọ rất khó, nên đành phải cắn răng chịu đựng. Đằng nào thì tiền cũng thế, nên cứ dùng điện cho thoải mái, tội gì”.

Tại nhiều trường học trên cả nước, việc sử dụng điện tiết kiệm cũng không được học sinh, sinh viên quan tâm. Rất nhiều giảng đường, phòng học, đèn và quạt được bật liên tục, ngay cả khi tan học, không ai tắt điện, tắt quạt trước lúc ra về.

Tình trạng trên cho thấy, công tác truyền thông về tiết kiệm điện còn hạn chế và chưa thực sự đi vào cuộc sống, ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Tại sao vậy? Có phải tại hiệu quả của công tác truyền thông kém? Nếu xét ở góc độ truyền thông thì đúng là như vậy. Nhưng để công tác truyền thông thực sự có hiệu quả cao còn có nhiều yếu tố, chỉ riêng người làm truyền thông giỏi là chưa đủ.

Nói riêng về truyền thông tiết kiệm điện trên báo chí, tôi cho rằng, lao động của phóng viên như một người đầu bếp. Để có một món ăn ngon, cần nguyên liệu đầu vào ngon, tươi và người nấu khéo

Tiết kiệm điện vốn không phải là lĩnh vực “nóng” trong nghề làm báo, nên ít được phóng viên đầu tư, nhất là đối với các cơ quan ngôn luận “chính thống”. Chính vì viết đối phó, nhiều phóng viên lười đi cơ sở, lười cả quan tâm đến cuộc sống xung quanh, họ chỉ viết khi được mời họp và chế biến báo cáo thành bài. Không cần phát hiện vấn đề, không mất công tìm tư liệu, cũng không cần đi sâu phân tích vì nguyên nhân đã nằm trong bản báo cáo rồi. Tất nhiên những bài báo như vậy, ngoài biên tập viên ở tòa soạn thì rất ít người đọc.

Ví dụ, bạn định viết một bài về tiết kiệm điện. Theo tôi, trước hết bạn phải tìm hiểu, có thể tiết kiệm điện được ở những lĩnh vực nào? Điện sử dụng trong sinh hoạt cho đời sống của các hộ dân do người dân phải trả bằng tiền túi của mình; điện sử dụng trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân; điện sử dụng trong kinh doanh dịch vụ cho nhà hàng, khách sạn; điện sử dụng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp được trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước…

Khi đã lựa chọn được hướng đi, bạn bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Bạn sẽ phỏng vấn khách hàng sử dụng điện, người đại diện cho công chúng, cơ quan chuyên ngành…Sau khi đã có tư liệu đầy đủ, bạn sẽ thực hiện khâu phân tích sự việc và dàn dựng câu chuyện. Ở bước này, bạn phải trả lời được câu hỏi: Ý nghĩa nội dung của câu chuyện về tiết kiệm điện là gì? Đâu là các dữ kiện nổi bật? Từ đó, bạn sẽ quyết định đưa cái gì vào bài, cái nào đưa đầu tiên cho hấp dẫn, cái nào đưa sau và cuối cùng sẽ là cái gì…

Trên thực tế, những bài viết về tiết kiệm điện nhiều năm qua ít được đầu tư. Vì vậy, nội dung thường nhàm chán và lặp đi lặp lại theo báo cáo, thậm chí, chỉ cần thay đổi số liệu cho phù hợp với thời gian. Chính vì vậy, truyền thông về tiết kiệm điện chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

(Ảnh minh họa)

Tại sao có nhiều bài báo viết về tiết kiệm điện không đạt yêu cầu về hiệu quả mà vẫn được phát và đăng tải? Câu hỏi này tôi đã đặt ra với một anh bạn làm công tác biên tập tại một tờ báo “chính thống” và được trả lời: Đối với những bài như vậy, biên tập viên gần như chẳng sửa chữ nào, đơn giản là vì nó khô khan y hệt một bản báo cáo.

Nhân đây, xin trích nội dung một bản tin với tiêu đề: “Châu Âu sắp khai tử bóng đèn sợi đốt”

“Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấm dứt việc sản xuất bóng sợi đốt truyền thống từ tháng 9/2012 và chuyển sang sử dụng các loại bóng tiết kiệm năng lượng.

Phần lớn bóng sợi đốt đang được bán và sử dụng tại châu Âu là loại bóng mà Thomas Edison phát minh vào năm 1879. Trong gần 130 năm qua, cấu tạo của loại bóng này hầu như không thay đổi. Một báo cáo của EU khẳng định, lục địa già sẽ tiết kiệm khoảng 12 tỷ USD tiền điện mỗi năm nếu sử dụng những loại bóng tiêu thụ điện năng thấp hơn. Lượng điện tiết kiệm này đủ cung cấp cho 11 triệu hộ gia đình trong một năm.

“Quyết định này sẽ thay đổi cách tiêu thụ năng lượng, đồng thời làm giảm 15 triệu tấn CO2 trong khí quyển mỗi năm. Hóa đơn tiền điện hằng năm của mỗi hộ gia đình trên lãnh thổ châu Âu sẽ giảm trung bình 50 euro”- Andris Piebalgs, Cao ủy phụ trách năng lượng của EU, phát biểu.

Theo ước tính của báo cáo, khoảng 85% bóng sợi đốt tại châu Âu đang tiêu tốn quá nhiều điện. Trong khi đó, các nước EU đã đồng ý cắt giảm 20% lượng điện tiêu thụ từ nay tới năm 2020 để khắc phục hiệu ứng nhà kính.

Những loại bóng đèn mới, như đèn compact huỳnh quang, có thể giúp các hộ gia đình tiết kiệm tối đa 80% lượng điện so với đèn sợi đốt truyền thống. Andris Piebalgs cho biết, việc loại bỏ đèn sợi đốt phải được tiến hành từng bước để các công ty sản xuất bóng đèn có thời gian lắp đặt và ứng dụng các công nghệ mới, nhờ đó mà chất lượng bóng đèn được đảm bảo.

“Chúng tôi cần bảo đảm rằng các bóng đèn kiểu mới giúp tiết kiệm tiền bạc và giảm lượng khí CO2, nhưng chất lượng của ánh sáng vẫn được duy trì”, ông nói. Đề xuất của EU sẽ trở thành luật sau khi nó được Nghị viện châu Âu thông qua. Nhiều quốc gia ngoài châu Âu như Australia, New Zealand, Philippines và Canada cũng tuyên bố họ sẽ hạn chế hoặc cấm việc bán bóng đèn sợi đốt truyền thống”.

Với nội dung trên, tác giả đã truyền tải tới bạn đọc rất nhiều thông tin, gây ấn tượng mạnh ngay từ cách đặt tít và ngoài việc đưa tin, phóng viên có thể nâng cấp thành bài viết ở mức độ tổng hợp cao hơn. Qua bản tin trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét và hướng triển khai tin/bài chuyên sâu và đem đến những thông tin hữu ích về tiết kiệm điện cho công chúng Việt Nam như sau:

Một là, từ tháng 9/2012, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấm dứt sản xuất bóng sợi đốt truyền thống và chuyển sang sử dụng các loại bóng tiết kiệm năng lượng. Vậy các doanh nghiệp sản xuất bóng sợi đốt ở Việt Nam sẽ chuẩn bị cho việc này thế nào?

Hai là, từ thực tế triển khai tại các nước để nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng bóng đèn compact tại Việt Nam?

Sở dĩ đặt vấn đề này là vì báo chí cần phải chủ động nhận thức được tính chất cũng như tầm quan trọng của tiết kiệm điện. Hơn ai hết, các nhà báo đưa tin, viết bài không chỉ đưa số liệu về tiết kiệm như một con số “không biết nói”. Như vậy, có hai vấn đề đáng được quan tâm là nhận thức và cách làm. Nếu nhận thức vấn đề đúng tầm, chúng ta sẽ tìm ra cách làm hiệu quả.

Những rào cản trong thực hiện tiết kiệm điện cũng như tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam thì các báo, tạp chí…đều có thể chỉ mặt, đặt tên, nhưng đi sâu vào phân tích một cách logic, bài bản thì hầu như chưa có.

Tôi còn nhớ lời của một chuyên gia người Philippin và xin được dùng thay cho lời kết: Nhiều hội thảo quốc tế về tiết kiệm năng lượng được tổ chức tại Việt Nam, đại biểu quen mặt nhau, nhưng kinh nghiệm từ các nước thì vẫn không áp dụng được, tiết kiệm năng lượng vẫn là bài toán chưa tìm ra đáp số hiệu quả...

 


  • 20/09/2012 08:21
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4919


Gửi nhận xét