Để tiết kiệm điện trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống: Cần viết đúng, viết trúng và …

Tiết kiệm điện là quốc sách và việc thực thi quốc sách này chỉ thành công khi tác động được tới nhận thức của mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức,… chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể và tích cực. Để tạo được sự chuyển biến đó, không thể thiếu vai trò của báo chí – truyền thông.

Để truyền thông tiết kiệm điện mang lại hiệu quả kinh tế cao và thực sự phổ biến trong xã hội, cần có những chính sách, giải pháp tích cực, chủ động hơn nữa, nhất là sự phối hợp giữa ngành Điện, Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo.

Trong sự phối hợp này, trước hết cần nhấn mạnh vai trò chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn thông tin của ngành Điện và Bộ Công Thương đối với giới báo chí.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cũng cần coi truyền thông tiết kiệm điện là chương trình chiến lược, có ý nghĩa xã hội thiết thực tới từng người dân, từng gia đình và là trách nhiệm xã hội của báo chí đối với vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với các nhà báo viết về lĩnh vực tiết kiệm điện, muốn viết tốt, cần có kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kĩ thuật điện.

Xin dẫn chứng: Năm 2008, nhân giảng bài về nghiệp vụ làm tin cho một lớp báo chí ở Hải Dương, tôi có dẫn lớp đi thực tế tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại. Tại đây, học viên được nghe Giám đốc Nhà máy và một số trưởng phó phòng, quản đốc phân xưởng giới thiệu về hoạt động của Nhà máy, sau đó được đi tham quan dây chuyền sản xuất điện, phỏng vấn công nhân, cán bộ kĩ thuật… được quan sát, chụp ảnh, ghi chép một cách chi tiết, tỉ mỉ. Nhưng, khi về viết tin tại lớp, kết quả hơn một nửa viết sai các thuật ngữ về ngành Điện: Công suất nhà máy thì viết là ki-lô-oát-giờ (kWh), sản lượng điện trong quý thì lại viết là ki-lô-oát (kW),….

Qua theo dõi, nghiên cứu truyền thông về lĩnh vực này, có thể thấy một số hướng khai thác đề tài lĩnh vực tiết kiệm điện thường được sử dụng là:

- Phổ biến kiến thức pháp luật về tiết kiệm điện.

- Phổ biến kiến thức về sử dụng thiết bị tiết kiệm điện.

- Thông tin chỉ dẫn cụ thể về tiết kiệm điện trong các lĩnh vực kinh tế và đời sống.

Với chức năng của mình, Hội Nhà báo là cầu nối phối hợp các ngành, các cơ quan báo chí để xây dựng các chương trình và tổ chức các khóa tập huấn, các hội nghị, hội thảo về sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng. Tiết kiệm điện là đề tài hơi khô cứng nên khó hấp dẫn người đọc, cần phải viết thế nào để truyền tải được thông tin về tiết kiệm điện đến với người dân một cách mềm mại, không cứng nhắc, giúp người dân hiểu, thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của ngành Điện. Từ đó, họ có ý thức sử dụng điện tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Muốn vậy, nhà báo phải được bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí và phải có những hiểu biết nhất định về lĩnh vực năng lượng điện.

Tôi cho rằng, để viết đúng, viết trúng, viết hấp dẫn về tiết kiệm điện, đưa ý thức tiết kiệm điện trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống - Văn hóa tiết kiệm điện… thì các nhà báo cần có “tay nghề” vững, có tâm huyết và đặc biệt có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực điện nói chung, tiết kiệm điện nói riêng.

 


  • 05/09/2012 05:01
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 521549


Gửi nhận xét