Dán nhãn tiết kiệm năng lượng: Dễ cho người bán tiện cho người mua

Tại Việt Nam, từ năm 2009, bắt đầu triển khai thí điểm dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL)  tự nguyện cho một số sản phẩm. Việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL) sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho người tiêu dùng và nhà sản xuất trong bối cảnh thiếu năng lượng như hiện nay?

Dễ dàng định vị sản phẩm

Không tốn nhiều thời gian chọn lựa, tại một cửa hàng quạt điện trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), anh Nguyễn Thành Trung (Thanh Xuân – Hà Nội) đã nhanh chóng tìm được cho mình một chiếc quạt treo tường của Việt Nam có dán nhãn TKNL với giá 350.000 đồng. Theo anh Trung, việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm như thiết bị điện gia dụng, văn phòng…là điều cần thiết, vì nó sẽ giúp người tiêu dùng định vị được sản phẩm TKNL so với các sản phẩm khác trên thị trường.

Anh Phạm Ngọc Khang, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ điện gia dụng phố Hàng Rươi (Hà Nội) cho biết, hiện nay phần lớn người dân quan tâm đến các sản phẩm tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nếu sản phẩm không dán nhãn TKNL được cơ quan  Nhà nước công nhận, mà chỉ đơn thuần là quảng cáo của nhà sản xuất thì nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi. Việc dán nhãn năng lượng không chỉ giúp các nhà sản xuất khẳng định thương hiệu, tăng uy tín cho các cửa hàng kinh doanh, mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Việc áp dụng dán nhãn năng lượng đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại Việt Nam, từ năm 2009, bắt đầu triển khai thí điểm dán nhãn TKNL tự nguyện cho một số sản phẩm như đèn huỳnh quang, đèn compact, quạt điện… Tuy nhiên, phải đến năm 2011, khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành, hoạt động này mới được triển khai rộng khắp.

Nhiều sản phẩm dán nhãn TKNL đã được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tăng sức cạnh tranh

Hiện cả nước có 4 trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn, gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM, Trung tâm Thử nghiệm - Kiểm định Công nghiệp thuộc Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ. Các đơn vị này được Bộ Công Thương chỉ định để các doanh nghiệp có thể liên hệ kiểm định khi làm hồ sơ dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thấy đây là một lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội sớm triển khai dán nhãn TKNL để thu hút người mua. Theo ông Trần Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Benny Việt Nam Electronics Inc, để đón đầu cơ hội này, hiện Công ty đã tập trung nghiên cứu, đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt và thực hiện nghiêm túc việc dán nhãn năng lượng nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN.

Theo ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN và Tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), các DN khi thực hiện dán nhãn TKNL sẽ không phải trả chi phí dán nhãn cho Bộ Công Thương, mà chi phí này DN trả cho phòng thí nghiệm. Còn chi phí in nhãn năng lượng và dán nhãn lên sản phẩm do DN tự chịu. Bộ Công Thương khuyến khích các DN nên sớm nộp hồ sơ để được chứng nhận dán nhãn năng lượng càng sớm càng tốt, tránh để sản phẩm nằm trong danh mục bắt buộc phải dán nhãn mà lại không có nhãn. Hiện mẫu hồ sơ đăng ký dán nhãn và hồ sơ đăng ký được chỉ định làm phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng có trên trang web tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương. Thời gian xem xét hồ sơ kể từ khi hồ sơ đầy đủ sẽ không quá 10 ngày.

 Ông Phương Hoàng Kim cho biết, để rút ngắn thời gian cho các DN có các sản phẩm nhập khẩu bắt buộc phải dán nhãn, Bộ Công Thương cũng sẽ sử dụng kết quả thử nghiệm đo đạc của các phòng thí nghiệm nước ngoài. Nhưng những phòng thử nghiệm này phải được Bộ Công Thương chỉ định.

Nhãn năng lượng: Là nhãn cung cấp thông tin về loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác, nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Nhãn năng lượng gồm 2 loại:

Loại thứ nhất: So sánh, cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác, giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại, được hiển thị tương ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng theo quy định (thể hiện bằng số sao trên nhãn);

Loại thứ hai: Xác nhận, chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại.

Lộ trình các sản phẩm phải dán nhãn TKNL

- Nhóm các sản phẩm gia dụng (quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt, máy thu hình…): Từ ngày 1/1/2013.

- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại (máy photo copy, máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại…): Từ ngày 1/1/2014.

- Nhóm thiết bị công nghiệp (máy biến áp phân phối, động cơ điện…): Từ ngày 1/1/2013.

- Nhóm phương tiện GTVT (xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống): Từ ngày 1/1/2015.

(Theo Thông tư 7/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng)

 


  • 13/09/2012 08:21
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 4717


Gửi nhận xét