Tổn thất điện năng của Việt Nam: Bao nhiêu là hợp lý

Tổn thất điện năng tính toán thế nào là hợp lý? So với các nước trên thế giới và khu vực thì con số tổn thất điện năng nước ta hiện là cao hay thấp? Ý kiến của một số cán bộ quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực điện sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: Tổn thất 9,5% không quá cao!

Vừa qua, Hội Điện lực Việt Nam đã có khảo sát đánh giá và nhận thấy, mức tổn thất thực tế trong toàn hệ thống điện nước ta hiện nay khoảng trên 9,2%. Đây là con số tương đối hợp lý với sự phát triển và thực trạng của hệ thống điện Việt Nam.

Chúng ta có thể so sánh mức độ tổn thất điện năng giữa các vùng với nhau, hoặc là Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, sẽ là khập khiễng nếu so sánh mà không phân tích được vì sao lại có những con số khác nhau đó.

Ví dụ như tại các vùng nông thôn mà EVN mới tiếp nhận lưới điện hạ áp từ các tổ chức quản lý cũ, tổn thất điện năng  thậm chí còn lên tới 30% hoặc hơn, nhưng đó là do lịch sử để lại, không thể so sánh với lưới điện ở các thành phố lớn, nơi mà hệ thống lưới điện cũng như các trạm biến áp đã được đồng bộ hóa. Cũng như không thể so sánh mức độ tổn thất của nước ta với các nước tiên tiến, vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện của họ cũng đã được hiện đại hóa đồng bộ và đi trước chúng ta rất nhiều. Nếu chúng ta muốn giảm tổn thất thì phải đầu tư, cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống… từ đường dây, trạm biến áp… đến các yếu tố kỹ thuật khác. Vấn đề này lại phụ thuộc vào vốn đầu tư. Nên nhìn nhận một cách tách bạch, rõ ràng, từ đó có những giải pháp khả thi, từng bước giảm tổn thất điện năng.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Ngành Ðiện rất nỗ lực

Để có được con số tổn thất điện năng 9,5 - 10%, phải nói rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã phải nỗ lực rất nhiều. Bởi nhiều năm trước đây, tổn thất hệ thống có thời điểm lên tới 16 – 17%. Đó là chưa kể lưới điện nông thôn cũ nát, xuống cấp kéo dài, trung bình tổn thất trên 25%, thậm chí có địa phương là 35 – 40%... Nhưng từ năm 2009 đến nay, chỉ tính riêng khu vực nông thôn, tổn thất điện năng khu vực EVN tiếp nhận bán lẻ đã giảm từ 25,14% xuống còn 20,91%. Đây là sự cố gắng rất đáng ghi nhận của ngành Điện, góp phần đưa tổn thất toàn hệ thống năm 2011 xuống còn 9,23%.

Tuy nhiên, tỉ lệ tổn thất này vẫn có tiềm năng giảm hơn nữa. Để làm được điều đó, đồng nghĩa với việc phải đầu tư, nâng cấp toàn bộ hệ thống, từ các trạm biến áp, hệ thống truyền tải, phân phối… Đặc biệt là đầu tư, nâng cấp sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Chỉ có đầu tư, nâng cấp đồng bộ toàn hệ thống điện thì mới có thể giảm tổn thất xuống dưới 9% trong thời gian tới. EVN cần tính toán kỹ điều này, từ đó kiến nghị các ban ngành chức năng có cơ chế hỗ trợ về vốn để hiện đại hóa hệ thống điện, giảm tối đa tổn thất điện năng.

* Giai đoạn từ năm 2004 – 2008, tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống đã giảm liên tục với mức trung bình 0,6%/năm, từ 12,23% xuống còn hơn  9% năm .

* Năm 2008, lần đầu tiên EVN đã giảm được tỉ lệ tổn thất điện năng hệ thống xuống mức 1 con số,  đạt 9,21%.

* Tổn thất khu vực điện nông thôn nước ta năm 2009 là 25,14%, đến năm 2011, sau khi EVN tiếp nhận, giảm xuống còn 20,91%.

 


  • 18/06/2012 02:20
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 9210


Gửi nhận xét