Luật Điện lực: Cần sớm điều chỉnh, bổ sung

Cho đến thời điểm này, Luật Điện lực vẫn còn một số bất cập cần sớm điều chỉnh, bổ sung để thực sự “đi vào cuộc sống" dẫu đã qua 6 năm thực thi.

Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

Giải phóng mặt bằng mất quá nhiều thời gian

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng khi thực hiện quy hoạch phát triển điện lực theo từng giai đoạn. Vì vậy, trong Luật Điện lực sửa đổi bổ sung sắp tới, đề nghị làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị tham gia thực hiện quy hoạch và phải có sự thống nhất ngay từ đầu. Thời gian thực hiện quy hoạch điện lực cấp quốc gia là 10 năm, cấp địa phương là 5 năm. Nếu không có sự thống nhất giữa các bên tham gia thì riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ mất 3 đến 4 năm, kéo theo toàn bộ việc thực hiện quy hoạch điện sẽ bị chậm tiến độ. Việc điều chỉnh quy hoạch còn có sự chồng chéo về nội dung. Đơn cử như: Quy hoạch điện lực cấp quốc gia cũng đến cấp điện áp 220 kV, cấp tỉnh cũng đến 220 kV. Vì vậy, Luật Điện lực cần phân biệt rõ các quy hoạch, cấp nào điều chỉnh và chịu trách nhiệm chính về quy hoạch cấp đó.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Còn một số yếu tố hạn chế trong Luật Điện lực

Luật Điện lực ra đời đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân sử dụng điện được bình đẳng trước pháp luật, đồng thời góp phần khẳng định vai trò của ngành Điện trong sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Điện lực cũng bộc lộ những hạn chế, nhất là khi triển khai thị trường điện cạnh tranh. Trong công tác quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực: Khâu lập và phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực địa phương còn chồng chéo, chưa có cơ chế cụ thể. Vấn đề tiết kiệm điện tuy đã được triển khai rộng, nhưng chưa có các chế tài xử lý rõ ràng, nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế điều chỉnh giá bán điện chưa linh hoạt, nên chưa đáp ứng được mục tiêu trước mắt là hình thành thị trường điện cạnh tranh. Luật Điện lực chưa định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng điều tiết điện lực, chưa đảm bảo được tính độc lập cũng như quyền hạn cần phải có của cơ quan điều tiết điện lực trong việc thực thi nhiệm vụ của mình.

Ông Phạm Quang Thái- Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh:

Cần khuyến khích đầu tư vào năng lượng mới, năng lượng tái tạoNội dung Luật Điện lực có đề cập đến việc phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhưng thực tế đối với Quảng Ninh, vấn đề này khó trở thành hiện thực. Quảng Ninh rất cần một cơ chế khuyến khích từ việc khảo sát, đánh giá tiềm năng, đến việc xem xét đầu tư hỗ trợ cho phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều huyện đảo phải sử dụng nguồn điện bằng cáp ngầm. Vậy giá bán điện phải tính như thế nào cho hợp lý? Trong thời gian tới, khi duyệt giá bán điện, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần lưu ý đến giá bán điện cho các vùng này. Đặc biệt, cần có chính sách giá điện đối với các nhà đầu tư để họ có thể kéo điện lưới ra các xã đảo hoặc hỗ trợ ngân sách nhà nước để người dân được hưởng giá điện hợp lý, hạn chế sử dụng nguồn điện tại chỗ như diezel vì chi phí quá cao.

Ông Nguyễn Thành Lê - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc:

Cần sớm sửa đổi, bổ sung…

Tại Khoản 3 Điều 11 của Luật Điện lực quy định: "Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện". Hiện nay, ngành Điện đang rất thiếu vốn đầu tư, nhưng căn cứ điều 11 của Luật, nhiều nhà đầu tư muốn tranh thủ vốn đã yêu cầu ngành Điện phải đầu tư theo công suất nguồn rất lớn với tiến độ thi công khẩn trương, nhưng thực chất khi đưa nguồn điện vào sử dụng thì không đúng như công suất đăng ký. Do vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 11 của Luật như sau: "Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện".

Về thanh toán tiền bán điện: Tại Khoản 6 Điều 23 của Luật Điện lực quy định: “Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 3 lần, thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện…”. Theo tôi, 15 ngày là quá dài vì nhiều khách hàng lớn với lượng tiền thanh toán mỗi kỳ lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng có thể lợi dụng Khoản 6 Điều 23 để chiếm dụng vốn của ngành Điện. Ngoài ra, bản chất việc mua bán điện là sử dụng điện trước trả tiền sau, nên cần giảm thời gian khách hàng được phép trả chậm, tạo sự công bằng giữa người bán điện và người mua điện.

Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài đã đưa công nghệ “bẩn” vào Việt Nam, đặc biệt là nhà máy thép tư nhân nhập các thiết bị cũ, lạc hậu. Trong quá trình vận hành, các thiết bị này gây nên biến động điện áp, sóng hài… làm ảnh hưởng đến các khu vực sử dụng điện xung quanh và gây ảnh hưởng đến kết quả đo đếm điện năng. Vì vậy, trong Luật Điện lực cần bổ sung thêm chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp trong khu vực. Ngoài ra, tình trạng lấy cắp điện hiện nay còn khá phổ biến. Vì vậy, cần sớm bổ sung chế tài xử phạt hành vi trộm cắp điện vào Luật Điện lực…


  • 16/08/2011 04:54
  • Ngọc Thọ - Phan Trang
  • 5370