Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện quốc gia: Không thể thiếu sự đồng bộ

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLÐCA) gây hậu quả nghiêm trọng. Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này?

Công nhân Công ty lưới điện cao thế miền Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh khắc phục sự cố dựng lại cột điện cột số 44 thuộc nhánh rẽ đường dây 110 kV  vào trạm Giáp Khẩu (Quảng Ninh)  Ảnh: Đình Thi

Ông Đỗ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương): “Tranh thủ mọi sự hỗ trợ…”

Xử lý các vi phạm về an toàn điện, nhất là vi phạm HLATLĐCA là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng địa phương và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp của người dân, đặc biệt là những vi phạm xảy ra trong khu vực đô thị, tập trung đông dân cư.

Do vậy, ngoài việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế phát sinh các vi phạm mới, cũng rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để giải quyết dứt điểm các vi phạm đã tồn tại từ trước, đảm bảo an toàn cho công trình điện.

Ngành Điện cần phải tranh thủ sự hỗ trợ, chỉ đạo của UBND các tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân sống tại khu vực có công trình đường dây đi qua, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các hành vi phạm HLATLĐCA, không để kéo dài gây phức tạp về sau. Có vậy, mới đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình điện cũng như đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Nghiêm Thanh Quang – Trưởng phòng Điều tra An toàn lao động, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc: “Trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn…”

Ngành Điện rất cần sự phối hợp quyết liệt hơn của các địa phương cũng như các ngành khác trong xã hội, sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ lưới điện cao áp. Đa số lưới điện cao áp đều đi qua các khu dân cư, đồi núi, rừng tự nhiên và rừng trồng nên rất khó tránh khỏi những vụ vi phạm.

Hằng năm, Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc và các chi nhánh vẫn phát đến người dân và các cơ quan liên quan nhiều tờ rơi tuyên truyền an toàn điện. Ban chỉ đạo Bảo vệ HLATLĐCA của Công ty đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục trong CBCNV cũng như người dân về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, làm cho nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân khi sống trong khu vực hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt của địa phương, giúp họ nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện cao áp và hiểu rõ hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ là của ngành Điện mà là của tất cả các cơ quan, ban ngành và của toàn xã hội.

Các hành vi nghiêm cấm:

- Đào đất gần móng cột có khả năng gây lún, sụt cột điện.

- Nổ mìn, mở mỏ gây hư hỏng cho công trình lưới điện.

- Đào ao, kênh, mương gần chân công trình lưới điện làm mất an toàn lưới điện.

- Lắp đặt dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo… mà khi bị đổ, rơi có thể va quệt, vi phạm khoảng cách an toàn công trình lưới điện cao áp.

- Vào trạm điện, tháo gỡ hoặc trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ.

- Xây nhà và công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn của lưới điện cao áp đè lên bộ phận công trình.

- Sử dụng các phương tiện thi công vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện, chấn động mạnh hoặc gây hư hỏng cho công trình lưới điện.

Thông tin từ Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc, trong 5 năm qua (2007 - 2011) đã có hơn 1200 vụ vi phạm HLATLĐCA, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh,Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Nam Định…

 


  • 13/06/2012 03:37
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 5152


Gửi nhận xét