Mô hình điện mặt trời nào chiếm ưu thế?

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5/2020. Sau Quyết định 13, mô hình điện mặt trời nào sẽ chiếm ưu thế tại Việt Nam?

Biểu giá ưu đãi

Một trong những nội dung quan trọng mà người dân và khách hàng sử dụng điện quan tâm là giá điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) từ sau ngày 30/6/2019. Căn cứ nội dung của Quyết định 13, các tổng công ty điện lực sẽ ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án ĐMTMN đã chốt chỉ số công tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện kể từ ngày 1/7/2019.

Theo đó, tiêu chí xác định dự án ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW (hoặc không quá 1,2 MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.

Trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản số 3641/BCT-ĐL ngày 21/5/2020, trong đó cho phép tạm thời sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu được quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương có điều chỉnh giá mua bán điện phù hợp với Quyết định 13 để ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư ĐMTMN đã đưa vào vận hành sau ngày 30/6/2019. 

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 23/5/2020, EVN đã có thể thực hiện việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. Sau khi thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13 được ban hành, EVN sẽ ký hợp đồng mới theo quy định. Việc thực hiện thanh toán tiền điện được thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 8, Quyết định 13 (giá mua điện được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày dự án vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ). Cụ thể, từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.913 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh). Từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2020, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.940 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh). Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) được xác định theo từng năm. 

Theo ông Đào Du Dương - Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Quyết định 13 được xem là “chìa khóa” tháo gỡ nút thắt về giá ĐMTMN và tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp… đầu tư ĐMTMN.

Hệ thống ĐMTMN tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời cơ thúc đẩy ĐMTMN phát triển

Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực là “cú hích” tạo đà cho ĐMTMN phát triển. Với nhiều lợi ích mang lại cho chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt ĐMTMN thời gian gần đây đã được người dân, doanh nghiệp rất quan tâm.

Gia đình bà Phùng Thị Vinh (Đống Đa, Hà Nội) hiện lắp đặt và sử dụng hệ thống ĐMTMN có công suất 2,67 kWp. Theo bà Vinh, trước kia, vào những tháng cao điểm nắng nóng mùa hè (tháng 6, 7, 8), tiền điện gia đình phải trả từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng, sau khi sử dụng hệ thống ĐMTNM, chi phí tiền điện đã giảm 40 - 50%, chỉ còn gần 700 ngàn đồng. “Ngoài ra, sản lượng điện dư còn được ngành Điện tiếp nhận hòa lưới, ghi nhận sản lượng và thanh toán tiền cho gia đình” - bà Vinh cho biết.

Đầu năm 2020, Công ty TNHH Sâm Sâm đã ký kết hợp đồng với Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung triển khai lắp đặt hệ thống ĐMTMN cho Công ty với công suất 990 kWp. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị vận hành phát điện trước 31/12/2020. Dự kiến, trung bình mỗi năm, hệ thống sẽ cung cấp 1.585 GWh sản lượng điện vào hệ thống điện quốc gia.

Ông Đào Du Dương cho biết, việc đầu tư ĐMTMN mang lại những lợi ích thiết thực như, giảm đáng kể tiền điện hằng tháng, sản lượng ĐMT không sử dụng hết được phát ngược lên lưới, bán lại cho ngành Điện. Bên cạnh đó, ĐMTMN còn góp phần giảm nóng cho phần mái nhà, giảm điện năng sử dụng máy lạnh cho tầng áp mái và tăng tính mỹ quan cũng như giá trị của tòa nhà vì yếu tố thân thiện với môi trường… “Với giá điện hiện nay, uớc tính thời gian thu hồi vốn của mỗi dự án ĐMTMN trung bình từ 4 - 5 năm” - ông Dương cho biết thêm.

Tại cuộc họp mới đây với các tổng công ty điện lực về giải quyết các vướng mắc liên quan đến phát triển ĐMTMN, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy ĐMTMN. EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển ĐMTMN sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.

Các Phòng, Ban chức năng EVN cũng cần ban hành hướng dẫn thực hiện ĐMTMN cụ thể tới các đơn vị điện lực, trong đó thống nhất quan điểm, thể hiện cách làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch của EVN. “Trong quá trình tiếp xúc khách hàng, nhân viên Điện lực phải thể hiện được thái độ cầu thị, lắng nghe, hỗ trợ khách hàng phát triển ĐMTMN” - Tổng giám đốc Tập đoàn nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, ĐMTMN sẽ là xu hướng phát triển năng lượng bền vững được Chính phủ khuyến khích, góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững. EVN và các đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc lắp đặt ĐMTMN, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc lắp công tơ, nối lưới hệ thống ĐMTMN, ký hợp đồng mua bán điện, với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ các nhà cung cấp để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. 

Theo báo cáo của EVN, tính đến 7/6/2020, ĐMTMN trên cả nước có:

- Hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN, 

- Tổng công suất đặt hơn 640 MWp, 

- Sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh, 

- Tổng số tiền khách hàng bán điện cho EVN: Hơn 300 tỉ đồng.


  • 15/07/2020 02:56
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 23461