Vì sao Bộ Công Thương đề xuất gia hạn giá FIT điện gió đến cuối năm 2023?

Từ năm 2018 đến nay, hàng nghìn MW điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, số dự án đi vào vận hành rất ít, trong khi đó, mốc thời hạn kết thúc cơ chế mua điện gió cố định (giá FIT) với giá ưu đãi đang ngày càng cận kề…

Nhiều vướng mắc

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Với cơ chế giá FIT ưu đãi, Quyết định này đã tạo động lực thúc đẩy thị trường điện gió tại Việt Nam phát triển sau một thời gian trầm lắng do giá thấp. Đã có hàng trăm dự án điện gió được đề xuất bổ sung quy hoạch và đang được thi công xây dựng. Tuy nhiên, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay mới có 11 dự án với tổng công suất 377 MW được đưa vào vận hành.

Ảnh minh họa

Đầu tiên phải kể đến sự vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch. Ngay sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực thi hành (ngày 01/11/2018), hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án nguồn điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất dự án điện gió bị ngừng trệ trong hơn 01 năm, vì chưa có các hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch (hiệu lực ngày 1/1/2019).

Bên cạnh đó, các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án trên biển, gần bờ với tổng công suất khoảng 1.600 MW. Các dự án này sử dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật, thi công khác so với turbine lắp đặt trên bờ, nên yêu cầu về thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng dài hơn (trên bờ khoảng 2 năm, trên biển gần bờ khoảng 3-3,5 năm). Đó là chưa kể, các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy phép sử dụng khu vực biển khá phức tạp; hiện chưa có quy định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển... dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng chi phí các dự án.

Thực tế, dịch bệnh COVID-19 cũng đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và cung cấp thiết bị, linh phụ kiện điện gió; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn..., từ đó gây ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp turbine, kéo dài thời gian thi công, lắp đặt và làm chậm tiến độ vào vận hành của các dự án điện gió.

Ông Lê Anh Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam, nhà đầu tư dự án điện gió chia sẻ: Dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Trong khi đó, nếu không có mốc thời gian hoàn thành dự án thì không có ngân hàng nào dám cho nhà đầu tư vay tiền để triển khai dự án.

 

Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định:

  • Điện gió trong đất liền: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).
  • Điện gió trên biển: Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh (chưa bao gồm VAT).
  • Áp dụng cho các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Cần gia hạn giá FIT điện gió

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ nay đến hết tháng 10/2021 (thời điểm giá FIT theo Quyết định 39 hết hiệu lực) chỉ còn khoảng 18 tháng, không đủ thời gian để nhà đầu tư triển khai các hoạt động chuẩn bị, thực hiện xây dựng dự án điện gió, đặc biệt là các dự án trên biển và các dự án chưa được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Do đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 tới hết ngày 31/12/2023. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Theo tiến sỹ Hoàng Giang - Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch (VCEA) TP.HCM, với tiềm năng lớn, điện gió sẽ là một trong những nguồn điện quan trọng góp phần đảm bảo điện trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là khi nhiều dự án nguồn điện lớn đang chậm tiến độ. Tuy nhiên, thời hạn được hưởng giá FIT theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đang là một trong những trở ngại cho các dự án điện gió, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Do đó, sự gia hạn giá FIT là cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Anh Tùng cũng cho rằng, hiện chỉ có khoảng vài trăm MW có đủ thời gian thực hiện để hưởng giá FIT. Do đó, việc gia hạn giá FIT sẽ tạo niềm tin, động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Theo các chuyên gia năng lượng, với tiềm năng lớn, giai đoạn 2020 – 2025, Việt Nam cần có cơ chế phù hợp để huy động tối đa công suất các dự án đã có trong quy hoạch và bổ sung thêm khoảng 5.000 MW - 7.000 MW điện gió để cung cấp điện cho hệ thống. Chính vì vậy, sự gia hạn giá FIT là cần thiết nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng này phát triển trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 3/2020:

  • 78 dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch, với tổng công suất khoảng 4.800 MW.
  • 11 dự án đã vận hành phát điện, với tổng công suất 377 MW.
  • Dự án đã ký hợp đồng mua bán điện: 31 dự án, tổng công suất 1.662 MW.
  • 250 dự án với tổng công suất khoảng 45.000 MW đang đề nghị bổ sung quy hoạch.


  • 10/06/2020 11:02
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 38459