Vì sao bạn làm hoài mà vẫn không hết việc?

Công việc chất chồng, mỗi lần giải quyết xong một đống deadline, chưa kịp thở, bạn đã phải vội bắt tay vào những việc khác. Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao bản thân làm hoài mà không hết việc? Ngoài những yếu tố khách quan thì một phần còn do chính bạn.

1. Thói quen trì hoãn

Người ta thường “nước đến chân mới nhảy”, nhưng riêng bạn nước đến cổ rồi mới chịu vẫy vùng. Khi nhận một dự án nào đó, bạn thường không bắt tay vào làm ngay mà ngâm việc từ ngày này sang tháng khác. Mãi đến khi deadline đã “cận kề”, bạn mới gấp rút lôi những công việc này ra phủi bụi và xử lí. Đến lúc ấy, bạn phải "đầu tắt mặt tối" thường xuyên là chuyện hiển nhiên.

2. Rối trí khi việc quá tải

Một dấu hiệu khác khiến công việc của bạn mãi chẳng thể nào xong đó là tâm lý khủng hoảng mỗi khi bạn gặp phải áp lực hay nhiều việc ập đến dồn dập. Bạn thường cảm thấy bản thân đang ôm đồm quá nhiều thứ và dường như không biết nên bắt đầu từ đâu.

Chính bởi sự rối loạn trong suy nghĩ này đã dẫn đến sự hỗn loạn trong cách bạn sắp xếp thứ tự công việc. Từ đó, bạn sẽ rất dễ hoang mang khi bản thân không có bất kỳ kế hoạch làm việc cụ thể nào.

3. Cả thèm chóng chán

Bạn có thói quen xấu này khi làm việc? Bạn bắt tay vào xử lí trước một công việc gấp gáp nhưng làm được một nửa, bạn lại muốn chuyển sang thử sức với công việc số 2, số 3, số 4,…

Mỗi thứ bạn chỉ làm một chút để giữ cho bản thân không quá chán nản và mệt mỏi khi phải tập trung giải quyết một vấn đề. Hoặc khi bạn tập trung hết sức nhưng vẫn không tìm ra cách xử lí công việc trọn vẹn, bạn quyết định gạt nó sang một bên và làm điều gì đó mới mẻ hơn. Cuối cùng, bạn lại quên mất cần phải quay trở về với công việc còn dang dở.

4. Làm việc theo cảm hứng

Tương tự như "cả thèm chóng chán", bạn là tuýp người không thể trụ được lâu với một thứ, khi không có cảm hứng hay đam mê duy trì. Nếu bạn yêu thích và có hứng thú với công việc này, bạn sẽ dồn hết 100% sức lực cho nó.

Nhưng nếu xui xẻo đó lại là công việc bạn chán ghét hoặc cảm thấy nhạt nhẽo, bạn thường có xu hướng tạm thời quên đi công việc này đến khi nào có hứng lại làm tiếp. Thế nhưng, khi bạn bắt đầu có hứng thú trở lại cũng là lúc bạn đang ôm phải một núi công việc chất chồng.

5. Ưa thích phong cách thủ công

Bạn thích tự tay soạn email và gửi đi đúng giờ thay vì lên lịch sẵn cho mọi email trong ngày? Bạn thích tự mình tra cứu thay vì Google hay dạo quanh internet? Bạn thích làm việc bằng đôi bàn tay và trí óc của mình hơn là các công cụ tự động đầy rẫy hiện nay? Đó chính là nguyên nhân bạn làm hoài mà việc chẳng xong nổi.

Nếu biết cách áp dụng công nghệ hoặc các phương pháp mới, sáng tạo và quy trình làm việc, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và hoàn thành mọi việc theo cách hiệu quả.

6. Làm việc với tâm lí mệt mỏi, áp lực

Mỗi khi phải gồng gánh quá nhiều việc cùng lúc, bạn thường sinh ra tâm lí chán nản và mệt mỏi. Bạn buộc bản thân phải ép mình vào khuôn khổ để làm việc như một cái máy.

Điều này tạo ra thêm gánh nặng về mặt tinh thần, khiến bạn không hoàn toàn thoải mái đón nhận mọi việc. Khi làm việc dưới áp lực cao nhưng bạn lại chưa thể thích nghi được, bạn sẽ rất dễ khủng hoảng và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ công việc của bạn.

Hãy xây dựng thói quen loại bỏ những dấu hiệu trên đây và thay đổi bằng những hành động tích cực hơn. Chẳng hạn, bạn có thể lên kế hoạch và thời gian biểu cụ thể trước khi bắt tay vào bất kỳ một công việc nào.

Thiết lập các mục tiêu bạn cần đạt được và khoảng thời gian cần thiết để làm những điều này. Hãy tạm thời nghỉ ngơi một khoảng thời gian ngắn để lấy lại năng lượng nếu bạn có biểu hiện rối loạn hay mệt mỏi.

Sau đó, đừng tiếp tục trì hoãn mà trở lại ngay với guồng quay công việc, tránh khiến bản thân “sa đà” vào chuyện nghỉ dưỡng.

Cuối cùng, cố gắng xây dựng tư duy tích cực và lạc quan trong mọi việc. Dù có như thế nào, bạn vẫn sẽ hoàn thành tốt công việc, hãy luôn tin vào bản thân và không ngừng động viên chính mình.


  • 12/12/2018 11:22
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 1097