Thợ điện trên “cổng trời”

Phía sau tấm bia bê tông có dòng chữ “Cổng trời Quản Bạ” (Hà Giang) là 3 cột điện hạ thế xếp hàng dọc, tựa như tinh thần sẵn sàng “cõng” điện lên cực Bắc của Tổ quốc. Phía sau ánh điện đem lại niềm vui cho người dân Quản Bạ là biết bao khó khăn vất vả của những thợ điện trên cao nguyên đá này.

Đội Tổng hợp số 1 Điện lực Quảng Bạ xử lý sự cố tại TBA Tả Ván (thôn Tả Ván, xã Tả Ván)

Những con đường “độc nhất, vô nhị”

Tôi đến Quản Bạ vào một ngày đầu tháng 7. Trời nắng gắt, theo chân Đội Tổng hợp số 1, Điện lực Quản Bạ (Công ty Điện lực Hà Giang) vào thôn Tả Ván (xã Tả Ván) xử lý sự cố, tôi được nghe thợ điện trao đổi với nhau về chuyện nghề, chuyện bản, mới thấy, phải yêu nghề, yêu người dân địa phương nhiều lắm, họ mới có thể vượt qua được những khó khăn, nguy hiểm trong công việc hàng ngày.

Con đường vào thôn rộng khoảng nửa mét, lổn nhổn đá sỏi quanh co, dốc dựng đứng. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu. Tôi ngồi sau xe máy của anh Nguyễn Đình Quảng, người đã có hơn 10 năm công tác trong nghề và thông thuộc địa hình Quản Bạ. Mới ngồi lên xe anh Quảng đã nhắc tôi: “Chị nhớ co chân lên. Bám chặt. Nếu vô ý thả chân xuống, là “đi luôn” cái móng chân đấy!”.

Chiếc xe máy ì ạch, “bò” qua từng cung đường, với vận tốc chỉ 5-7 km/h. Bình thường, đi xe máy từ trung tâm xã vào thôn Tả Ván mất 40 phút cho quãng 6 km. Còn vào ngày mưa, trời mù mịt, phải đi mất 1 giờ 20 phút. Dù là tay lái “lụa”, quen đường, nhưng anh Quảng cũng như người thợ điện khác chỉ dám đi một mình một xe. Hôm nào đặc biệt lắm, mới “dám” đèo thêm người.

“Đến thôn Tả Ván còn gần, chứ từ trung tâm huyện Quản Bạ đến các xã Bát Đại Sơn phải mất 3 giờ di chuyển. Cả đi lẫn về, phải mất ít nhất 6 giờ. Thế nên, mới có chuyện thợ điện đi xử lý sự cố ở các xã giáp biên, phải ở nhờ nhà dân khi công việc chưa xong mà màn đêm đã xuống. Từ trung tâm xã, đi đến các thôn, bản, nhiều nơi còn chưa có đường, không đi được xe máy, phải cuốc bộ”, anh Quảng nói.

Những sự cố về đường dây, TBA xảy ra vào mùa Đông là nỗi ám ảnh đối với thợ điện cao nguyên đá. Có những đêm, Đội Tổng hợp số 1 nhận tin về sự cố lúc nửa đêm. Họ bật dậy, mặc vội quần áo, ngoài đường trời rét căm căm, sương mù dày đặc. Họ mò mầm đi trong đêm. Đến nơi, lần mò tìm vị trí xảy ra sự cố. Nhưng, vì trời lại đổ mưa, nên chưa thể tiến hành công việc, mà phải chờ đến sáng, đợi trời tạnh mưa mới xử lý được.

Tháng 4/2019, tại xã Thái An có 2 cột điện bị đổ. Đội Tổng hợp số 1 huy động tất cả công nhân vào dựng lại cột. Sau 2 ngày làm việc, ăn và nghỉ tại chỗ, thợ điện đã hoàn toàn xử lý được sự cố, cấp lại điện cho dân.

Anh Cấn Văn Chung, một người có nhiều năm gắn bó với vùng cao cho biết: “Để kéo đường dây điện vào tận các thôn, bản giáp biên, đa số vật liệu, vật tư, thiết bị đều phải vận chuyển thủ công. Cột, xà, sứ cho lên xe ba gác, nhờ bà con dân bản đẩy giúp. “Tôi nhớ năm 2017, đóng điện ở TBA Chống Chài. Trong quá trình thi công, bà con đã nấu cơm, tiếp nước cho thợ điện. Bà con coi thợ điện như người nhà. Họ gọi chúng tôi là chú thợ điện, như bộ đội, công an, vì nhân dân phục vụ”, anh Chung chia sẻ về mối quan hệ thắm thiết giữa thợ điện và người dân.

Thợ điện biết… 5 thứ tiếng

Thợ điện nơi cực Bắc của Tổ quốc hiện đã biết thêm nhiều ngôn ngữ của người dân bản địa, trong đó, thông thạo nhất là tiếng Mông, bởi địa bàn quản lý, đa số là người Mông. “Anh em tham gia lớp học tiếng Mông. Giờ cũng đủ sức giao tiếp được với bà con hằng ngày rồi”, anh Chung cho biết.

Anh Tẩn Phú Lìn được mệnh danh là một thợ điện giỏi về ngôn ngữ của đồng bào nhất Đội Tổng hợp số 1. Anh Lìn biết khoảng 5 tiếng của người dân tộc sống trên địa bàn, gồm: Mông, Dao, Hán, Tày, Nùng. Cả Đội gọi vui anh là người phiên dịch đa năng nhất của Điện lực Quản Bạ. Vì giao tiếp được với dân, thợ điện Quản Bạ càng gắn bó với nghề, càng thân thiết với dân. Những đêm ở lại bản, bên bếp lửa hồng, cùng ăn cơm với gia đình người Mông, thợ điện cũng tranh thủ hướng dẫn cho bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Biết tiếng Mông và một số tiếng của người dân tộc khác trên đất Quản Bạ là “chìa khóa” giúp thợ điện hiểu sâu về văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương. Ví như, người Mông không bao giờ đóng bảng điện vào cột chính. Vì thế, khi lắp điện cho gia đình người Mông, thợ điện phải hỏi gia đình về vị trí cột chính và nơi họ muốn lắp bảng điện. Để từ đó, tư vấn cho người dân đóng bảng điện đúng chỗ thuận tiện và đảm bảo an toàn.

Khó khăn, gian khổ vẫn luôn hiện hữu, thậm chí sẽ còn tăng lên khi thời tiết biến động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Hà Giang. Nhưng với lòng yêu nghề, cùng với sự yêu thương của bà con vùng cao, những người thợ điện nơi cổng trời Quản Bạ sẽ tiếp tục bám rừng, bám bản, giữ cho ánh điện luôn tỏa sáng trên những nẻo đường vùng cao, biên giới.

* Huyện Quản Bạ hiện có 12 xã và 1 thị trấn. Điện đã về tới 101/107 thôn, bản; 98% số hộ dân đã được sử dụng điện.

* Đội Tổng hợp số 1 của Điện lực Quản Bạ:

-  Gồm 6 công nhân

- Quản lý 100 km đường dây 35 kV, 35.000 km đường dây hạ thế, 43 TBA nằm rải rác trên 5 xã và 1 thị trấn.


  • 22/08/2019 02:06
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1338