Nhà báo qua "lăng kính" của những người làm truyền thông ngành Điện

Những cán bộ phụ trách công tác truyền thông ở các đơn vị giữ vai trò kết nối và phối hợp thường xuyên với các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp của họ. Bởi vậy, mỗi câu chuyện "hậu trường" được kể lại luôn chứa đựng rất nhiều cảm xúc...

Anh Mai Thanh Tiếp - Phó Chánh văn phòng EVNGENCO 1

Anh Mai Thanh Tiếp - Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) chia sẻ, kỷ niệm anh nhớ mãi là đợt mưa lũ tháng 8/2018 bỗng rộ lên thông tin “vỡ đập Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ", gây ngập úng vùng hạ du. Thông tin thất thiệt lan truyền đi đã gây hoang mang trong dư luận khi đó. 

“Tôi đã chủ động báo cáo lãnh đạo để nhanh chóng tổ chức đoàn công tác gồm 15 nhà báo trực tiếp vào hiện trường” - anh Tiếp chia sẻ. 

Hiện trường rất xa trung tâm (cách TP Vinh hơn 250 km), lại đang trong mùa lũ nên điều kiện giao thông vô cùng khó khăn. Các nhà báo chẳng nề hà mà lập tức lên đường, “đồng cam cộng khổ” với công nhân. Những thông tin trung thực, khách quan, kịp thời của các nhà báo gửi về từ Thủy điện Bản Vẽ đã giúp bác bỏ những tin đồn thất thiệt, giúp công luận có cái nhìn chính xác về vấn đề.

Còn với anh Hoàng Ngọc Thạch - Phó Ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), mỗi chuyến đồng hành cùng nhà báo đến thực địa đều là những chuyến “phiêu lưu mạo hiểm" rất đáng nhớ.  

Anh Thạch chia sẻ, tháng 12/2016, một số nhà báo có chuyến công tác tại bản Trỉa, bản Cát (Hướng Hóa, Quảng Trị) - hai địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị có điện lưới quốc gia, là nơi đồng bào Vân Kiều sinh sống, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. 

“Đường đi từ trung tâm xã vào đến các bản rất khó khăn, hiểm trở, phải băng sâu vào rừng Trường Sơn, nên tôi có trao đổi với các nhà báo rằng không nên đi và sẽ nhờ anh em công nhân chụp ảnh tư liệu gửi ra. Tuy nhiên, các nhà báo quyết tâm đến tận nơi để phản ánh được hơi thở của ngành và cuộc sống của người dân khi có điện” - anh Thạch kể. 

Anh Hoàng Ngọc Thạch - Phó Ban Truyền thông EVNCPC

Trải qua quãng đường khó khăn, vào đến nơi thì mưa bất chợt xối xả làm ai cũng ướt nhẹp. Trời ngớt mưa, công nhân tranh thủ đóng điện, nhà báo cũng nhanh chóng tác nghiệp. Vừa xong việc thì trời sập tối, mưa trở lại và còn nặng hạt hơn. Nước trên núi ào ạt đổ xuống khiến các suối đều ngập sâu, nước chảy xiết. Cả đoàn tức tốc lên đường rời bản, đến tối mịt mới về đến trung tâm xã. Ai nấy rã rời vì mệt.

"Tôi thầm nhủ, may mà được trời phật phù hộ nên cả hành trình đều an toàn, chứ chẳng may có vấn đề gì xảy ra với đoàn thì tôi biết làm sao?” - anh Thạch trải lòng. Sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, anh Thạch bảo cảm giác thấp thỏm, lo âu trong lòng vẫn còn nguyên vẹn!

Anh Mai Thanh Tiếp chia sẻ, việc phối hợp và hỗ trợ các phóng viên, nhà báo để họ thu thập được thông tin, hình ảnh đầy đủ, chính xác, kịp thời là mục tiêu và trách nhiệm của đơn vị, mà trực tiếp là những người được giao đảm nhiệm công tác này như anh. Công tác trao đổi thông tin hai chiều, sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ truyền thông và các cơ quan báo chí là rất cần thiết để có những sản phẩm báo chí, truyền thông phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Điện nói chung và các đơn vị nói riêng - anh Tiếp cho biết.

Theo anh Hoàng Ngọc Thạch, sự chuẩn bị chu đáo kế hoạch, nội dung, hậu cần trước mỗi chuyến đi đồng hành với nhà báo thì hiệu quả công việc đạt được sẽ cao hơn, minh chứng là những tác phẩm báo chí gây ấn tượng mạnh, có sức lan tỏa lớn. 

“Kỷ niệm đồng hành cùng các anh chị em báo chí thì nhiều không kể xiết. Nếu chúng tôi là những người đồng hành thầm lặng, thì họ chính là những người chiến sĩ gan dạ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng” - anh Thạch chia sẻ.


  • 21/06/2019 02:26
  • Huy P.
  • 1496