Phê bình và chuyện trị bệnh cứu người

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình cấp trên hay phê bình nội bộ nói chung, đều “phải nói đúng, cần làm khéo, trên tinh thần thương yêu giúp đỡ nhau, đảm bảo mục đích “trị bệnh cứu người”.

Đối với một số cán bộ lãnh đạo, phê bình được mặc định là đặc quyền của cấp trên đối với cấp dưới. Nhân viên mà dám phê bình sếp được coi là “cứng đầu”, sống “không biết điều”, không được tin dùng. Câu chuyện truyền miệng sau đây tôi đã được nghe nhiều lần: Trong một cuộc họp chi bộ kiểm điểm đảng viên. Sau khi đọc bản tự kiểm điểm cá nhân của mình, người chủ trì đã nói với mọi người dự họp: Tôi có cả ưu điểm và khuyết điểm, nhưng có một khuyết điểm từ lâu mà đến nay tôi không sửa được, đó là “thù lâu và nhớ dai”. Nếu một tổ chức có một thủ trưởng hay sếp như vậy, liệu cấp dưới có dám phê bình? 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phê bình không chỉ là một nguyên tắc tổ chức của Đảng mà còn là một thói quen sinh hoạt lành mạnh của người đảng viên, cán bộ, giống như họ cần soi gương, rửa mặt hàng ngày. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ "nể Cụ" không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người".

Ảnh minh họa

Người coi tự phê bình và phê bình là "vũ khí rất cần thiết và sắc bén, giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm", là "thang thuốc" tốt nhất để chữa trị các "chứng bệnh" do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Trong đó, tư tưởng đặc sắc, nổi bật của Người về tự phê bình và phê bình là "phê bình cho đúng" để "trị bệnh cứu người". Người khẳng định: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Người chỉ rõ: Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì cũng khác nào là có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Như vậy thì bệnh tình lại càng nặng thêm, không chết "cũng la lết quả dưa". Do vậy, đối với đảng viên, cán bộ mà "nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!"

Tự phê bình và phê bình hiện nay vẫn là một điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển lành mạnh, lâu dài của mỗi người cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Đó là nội dung, yếu tố quan trọng trong văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo của Đảng.  Người lãnh đạo nào không muốn, không thích bị cấp dưới phê bình chứng tỏ đó là một con người yếu đuối, hẹp hòi, nhỏ nhen, có thói gia trưởng, tư lợi, cá nhân chủ nghĩa…có bệnh mà không dám uống thuốc. Ngược lại, đảng viên, cấp dưới nếu thấy lãnh đạo, cấp trên có khuyết điểm mà không dám nói thật - phê bình thì cũng là một kẻ có tính ích kỷ, hèn kém, giả dối, có biểu hiện của thói cơ hội, vụ lợi, làm cho đồng chí của mình ngày càng bị ngấm thuốc sâu và làm cho cả tổ chức và bản thân mình cũng bị đầu độc. Ứng xử như vậy thì cả cấp trên và cấp dưới đều sai, đều kém, đều có tội. Đáng tiếc là nhiều người trong chúng ta từ lâu đã quen với tình trạng vô cảm, bình thường hóa với cái xấu nên không muốn và không dám thay đổi. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình cấp trên hay phê bình nội bộ nói chung, đều phải nói đúng, cần làm khéo, trên tinh thần thương yêu giúp đỡ nhau, đảm bảo mục đích “trị bệnh cứu người”, làm cho bản thân mình, đồng chí mình, khắc phục được khuyết điểm, phát triển tốt đẹp hơn. Chữ “khéo” trong công tác phê bình Người dùng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa có tính hiệu quả cho cá nhân và tổ chức; "phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa". 

Đối với người lãnh đạo được cấp dưới phê bình thẳng thắn, cho dù họ không biết nói khéo, vẫn phải cám ơn họ và nhận biết rằng, mình còn có người đồng chí, cấp dưới chân thành. Vô phúc, không may cho tổ chức nào có người lãnh đạo không muốn nghe cấp dưới nói thật hay phê bình mà lại còn tìm cách trù úm, trả thù. Đây là một biểu hiện của sự hư hỏng, suy thoái về chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ. Những người như vậy cần phải sớm đưa ra khỏi các vị trí lãnh đạo, quản lý. 


  • 15/07/2020 10:14
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1090