Bạn muốn sếp ứng xử thế nào?

Cách ứng xử với cấp dưới của lãnh đạo hay người quản lý đều có ảnh hưởng lớn đến khả năng sáng tạo trong công việc của nhân viên. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ, mong muốn của một số CBCNV về văn hóa ứng xử của sếp nơi công sở.

Chị Vũ Khải Khánh Ngọc - chuyên viên văn phòng, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa 

Mong sếp luôn dành sự quan tâm đến mọi người

Trong tổ chức, khi lãnh đạo có những mối quan hệ sâu sắc, nhân ái với mọi người sẽ tạo được sự tin cậy, hợp tác chân thành của tất cả thành viên. Sự quan tâm của lãnh đạo không chỉ thể hiện bằng lời nói mà cần phải thông qua việc làm cụ thể, những hành động cụ thể. Trong ứng xử với cấp dưới, sự thể hiện lòng nhân ái, quan tâm của người lãnh đạo phải dựa trên sự hiểu biết về hoàn cảnh, nguyện vọng của cấp dưới chứ không chỉ mang tính xã giao, chung chung. 

Thể hiện bằng những việc làm cụ thể, chân thành cũng là cách tốt nhất để phá bỏ rào cản giữa cấp trên và cấp dưới. Bên cạnh đó, trở thành sếp không đồng nghĩa là tự tách mình ra khỏi tập thể. Mặc dù mức độ cởi mở của người lãnh đạo còn tùy thuộc vào tính cách cá tính của từng người nhưng nhà lãnh đạo giỏi thường là người gần gũi, rất  hòa đồng với quần chúng. Hãy cố gắng cùng nhân viên tham gia các buổi đào tạo nhóm, vui chơi ngoại khóa, tăng thêm sự hiểu biết và tình cảm giữa cấp trên và cấp dưới.

Bên cạnh đó, đối với những cá nhân xuất sắc, có đóng góp nhiều cho đơn vị, hãy tuyên dương trước CBCNV và có hình thức khen thưởng xứng đáng. Ngược lại, với những người yếu kém, tôi nghĩ cũng nên có hình thức nhắc nhở, sao cho thấu tình, đạt lý. Để có thể làm được điều này, người lãnh đạo phải có kiến thức sâu rộng, lý luận sắc bén và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và công việc.

Anh Trần Duy Tùng - công nhân Đội truyền tải điện Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, Công ty Truyền tải điện 1 

Luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ cấp dưới

Với tôi, người lãnh đạo, nhà quản lý có cách ứng xử tốt cần biết tuyển chọn, sử dụng người đúng việc, đúng chỗ, đưa ra chế độ thưởng phạt công minh, biết cách thu phục nhân tâm, lắng nghe, tiếp nhận thông tin phản hồi từ cấp dưới, biết giải quyết mâu thuẫn, xung đột nội tại sao cho có hiệu quả. Khi thực thi những nguyên tắc này, người lãnh đạo sẽ xây dựng được cách ứng xử tốt đẹp trong doanh nghiệp.

Khi lãnh đạo tuyển chọn đúng, sử dụng đúng người, đúng việc sẽ phát huy được tiềm năng của người đó, tạo cho họ niềm say mê làm việc. Khi quản lý, người lãnh đạo phải biết khen, biết chê một cách công bằng, chính xác. Khi khiển trách, phải dựa trên lợi ích của tập thể, của doanh nghiệp và cũng đòi hỏi người lãnh đạo phải có nghệ thuật, sao cho nhân viên vui vẻ chấp nhận và phấn đấu làm tốt hơn. Khi nhân viên làm tốt, đừng tiếc lời khen nhân viên trước tập thể.

Người lãnh đạo không chỉ đơn thuần đưa ra các yêu cầu, mệnh lệnh rồi bắt nhân viên thực hiện mà cần phải hiểu tâm lý con người để thu phục các nhân viên tự nguyện đi theo mình. Giao việc cho nhân viên, nhưng chính người lãnh đạo cũng phải thể hiện thái độ hăng hái giống như mình bắt tay vào làm. Bên cạnh đó, mình mong muốn những bữa tiệc nhỏ thân mật do đơn vị tổ chức, người lãnh đạo có thể gần gũi, hỏi thăm hoàn cảnh của từng nhân viên, chia sẻ cuộc sống hiện tại với họ. Một khi lãnh đạo hiểu rõ về từng nhân viên của mình, sẽ có cách làm việc với họ hiệu quả hơn. Một lãnh đạo giỏi không phải là một người có giọng nói to, hay quát mắng nhân viên làm cho họ sợ mà làm cho nhân viên mình phải tâm phục, khẩu phục về tài năng và đức độ của lãnh đạo.

Anh Ngô Anh Tuấn - kỹ sư Phòng Kỹ thuật An toàn, Công ty Điện lực Hoàn Kiếm 

Mong nhận được lời khen đúng lúc từ sếp

Là một nhân viên, tôi rất trân trọng những lời khen của sếp. Với tôi, những lời khen luôn tạo cho tôi cảm giác phấn khởi, có động lực cố gắng vươn lên và gắn bó hơn với công ty. 

Tuy nhiên, việc khen ngợi nhân viên thế nào cho đúng cách, đúng chỗ cũng là một nghệ thuật. Bởi theo tôi, những lời khen ngợi không khéo cũng có thể làm cho nhân viên tự phụ. Thông thường, lời khen diễn ra trong các cuộc họp, đó cũng là thời điểm thích hợp để nhân viên nhận được lời khen có thể tự hào về thành tích của mình. Việc khen diễn ra công khai, nhưng cũng không cần quá cầu kỳ mà phải xuất phát từ tấm lòng. Phải chỉ cho người đó biết lý do mình được khen thay vì nói chung chung “Cô, cậu làm tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé!” Nên đánh giá một cách rõ ràng “Báo cáo này của cô/cậu làm rất tốt, phân tích rất sắc sảo...”. 

Thực tế, có không ít lãnh đạo rất kiệm lời khen dành cho nhân viên. Một số cho rằng, điều đó quá sáo rỗng, không cần thiết hay nghĩ rằng nhiệm vụ của nhân viên ăn lương là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là điều hết sức sai lầm. 

Khen ngợi chính là yếu tố tạo lên môi trường làm việc tích cực, là cách “truyền lửa” cho cấp dưới hăng say làm việc hơn, cống hiến nhiều hơn. Nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải giúp nhân viên hiểu rõ, công việc mà họ đang làm hợp với chuyên môn, kỹ năng của mình, cũng như giúp họ phát triển nghề nghiệp, tương lai. Ngoài ra, lời khen còn làm cho nhân viên cảm nhận mình là một trong những “phần tử”quan trọng của công ty. 


  • 14/10/2019 10:51
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1656