PR doanh nghiệp qua mạng xã hội: Nên hay không?

Mặc dù có hạn chế, khiếm khuyết nhưng PR qua mạng xã hội là một xu hướng của thời đại, một hình thức tiên tiến mà các doanh nghiệp lớn cần khẩn trương thử nghiệm.

Quản trị PR và Văn hoá doanh nghiệp

Quan hệ cộng đồng (Public Relations - PR) là công việc mà một tổ chức hay doanh nghiệp chủ động quản lý các quan hệ giao tiếp cộng đồng, tạo dựng và giữ gìn hình ảnh tích cực của mình. Các hoạt động quan hệ cộng đồng bao gồm, truyền đạt thông tin – truyền thông, quảng cáo sản phẩm, quảng bá các thành công, giảm nhẹ ảnh hưởng của các sai sót, thất bại, công bố các kế hoạch hành động và nhiều hoạt động khác.

Cộng đồng  (Public) ở đây là tất cả chủ thể và khách thể có liên quan tới một tổ chức, bao gồm nguồn nhân lực bên trong đến các đối tượng, khách thể bên ngoài như khách hàng, cơ quan truyền thông, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, dân cư, cổ đông… PR gồm các loại công việc được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau: Cung cấp thông tin, tin tức mới của tổ chức; lập các tổ chức, kênh truyền thông; tổ chức các sự kiện; chăm sóc quan hệ với các đối tượng công chúng đặc biệt (báo chí chẳng hạn) và với cộng đồng;  các hoạt động thiện nguyện, phát triển cộng đồng; các chiến dịch truyền thông đặc biệt...

Tất cả các hoạt động kể trên đều cần có nguồn nhân lực, tài chính và sự sáng tạo mới đạt được mục tiêu và hiệu quả đề ra.

PR doanh nghiệp qua mạng xã hội: Nên hay không? Ảnh minh họa

Mục đích chính của PR trong doanh nghiệp là nhằm xây dựng, gìn giữ được hình ảnh  - thương hiệu, quan hệ tốt đẹp với công chúng, xã hội nên nó cần được lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo một cách bài bản, vượt xa hơn mục tiêu đơn thuần là bán được nhiều hàng hay đạt hiệu quả kinh tế đơn thuần.

Chính vì mục đích cao cả đó, PR cần nội dung và hình thức thể hiện phù hợp; cần có sự phản ánh khách quan, trung trực và đầy đủ/toàn diện hơn so với hình thức quảng cáo – một hình thức PR thương mại tốn kém nhất. Nó cần nhiều báo cáo số liệu, các câu chuyện, nhân vật thành công có thực của doanh nghiệp. Nền tảng tinh thần, triết lý và các giá trị cốt lõi của PR được lấy từ Văn hoá doanh nghiệp. Ngược lại, chính công tác truyền thông và PR là một công việc và hình thức quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa và thương hiệu doanh nghiệp.

PR, truyền thông bằng mạng xã hội của DN

Ra đời vào đầu thế kỷ XXI, đến nay mạng xã hội (Social Network) đã góp phần làm thay đổi thế giới trong cách giao tiếp, truyền thông, giáo dục, kinh doanh… và PR. Các mạng xã hội đã phát triển thành những thế lực kinh tế mới của nền kinh tế tri thức, là nơi kết nối mọi người trong các diễn đàn hay sân chơi rộng lớn, đa chiều, xuyên qua các nền văn hoá và biên giới quốc gia. Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là Facebook, có giá trị trường hơn 220 tỷ USD, với khoảng 1,4 tỷ thành viên.

Ở Việt Nam hiện tại có khoảng 100 mạng xã hội đang hoạt động, bên cạnh những mạng lớn quốc tế như Facebook, Youtube, Google plus, Twitter, Linkedin… còn có các mạng xã hội của Việt Nam có hàng ngàn hội viên như Zingmi, Tinh tế, Webtretho.com, Enbac, Muare.vn… PR trên các mạng xã hội là một hình thức mới, có một số ưu thế so với truyền thông truyền thống vì khả năng xuất bản và cập nhật nhanh, dung lượng lớn, hình thức tích hợp, phong phú, có tốc độ lan truyền nhanh, mức độ tương tác, phản hồi cao… Đồng thời, nó cũng có những mặt hạn chế của “thế giới ảo” như khó quản lý, khó kiểm chứng được nguồn thông tin, bản quyền, trách nhiệm cá nhân của người phát ngôn…

Kinh nghiệm của Nike trong sử dụng truyền thông xã hội rất đáng tham khảo: Nike chính thức thử nghiệm việc hiện diện trên các mạng xã hội vào năm 2004 và dần dần cắt giảm ngân sách của các loại hình quảng cáo truyền thống. Hiện nay, với khoảng 30% tổng ngân sách quảng cáo và PR, Nike được biết đến là một trong những “doanh nghiệp mạng xã hội” lớn nhất thế giới, vượt qua cả Google, Instagram hay Pinterest. Thương hiệu thể thao này đang có trên 21 triệu lượt “like” trên Facebook, 4,1 triệu người theo dõi trên Twitter, gần 60 ngàn người theo dõi trên Pinterest, và hơn 7 triệu người theo dõi trên Instagram. Bên cạnh bài học tái cấu trúc ngân sách PR ưu tiên cho mạng xã hội, hai bài học khác từ thành công của Nike là phát triển quan hệ với khách hành và sáng tạo những câu chuyện thương hiệu hấp dẫn của mình.

Hạn chế dễ nhận biết của nhiều Fanpage doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tại Việt Nam là:

  1. Nội dung và hình bày chưa thực sự phong phú, hấp dẫn.
  2. Phát triển quan hệ với công chúng chưa rộng và sâu sắc, chủ yếu là các fans trong nội bộ ngành, thiếu những nhân vật có tài năng, uy tín ngoài ngành và xã hội.
  3. Thiếu những vấn đề nóng, câu chuyện hay, hấp dẫn có sự bình luận, tương tác cao
  4. Thiếu vắng những nhân vật tiêu biểu, tấm gương của doanh nghiệp, tập đoàn.
  5. Thiếu các từ khoá, khẩu hiệu, thông điệp ngắn gọn có tác động gây cảm hứng được rút ra/liên kết chặt chẽ với văn hóa doanh nghiệp của doanh nghiệp.
  6. Còn quá ít bài viết hay, ít ảnh, nhạc, video kể về câu chuyện, sự kiện, các chiến dịch PR.

 


  • 27/05/2015 10:48
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2432


Gửi nhận xét