Nữ kỹ sư say mê... test

13 năm gắn bó với Công ty Viễn thông điện lực và CNTT (EVNICT) là chừng ấy thời gian chị Lê Thị Tươi làm công việc Tester (người kiểm thử phần mềm). Với chị, Tester không chỉ là một nghề, mà hơn cả, đó là một niềm đam mê.

Chị Tươi (ngoài cùng bên phải) cùng bạn bè trong khoảnh khắc đời thường

Tester - Nghề thầm lặng

Chị Tươi sinh ra tại Mỹ Hào (Hưng Yên), tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) giữa lúc Việt Nam và thế giới đang có những bước phát triển vượt bậc về CNTT và đang là nghề “hot” của thế hệ 8X thời bấy giờ.

Những năm cuối sinh viên, chị đã từng làm Tester cho bộ phận outsourcing tại một công ty phần mềm liên doanh Nhật Bản. Chị kể, lúc đó chị trúng tuyển hai vị trí Developer và Tester nhưng chị chọn Tester vì khi đó chị chưa biết công việc Tester, khái niệm “Tester” còn rất mới mẻ trong sản xuất phần mềm nói chung và với chị nói riêng nên chị muốn thử nghiệm, muốn khám phá về Tester.

Ra trường, chị trúng tuyển vào EVNICT rồi gắn bó như duyên phận với Tester suốt 13 năm đến nay. Hiện chị là Nhóm phó thuộc nhóm kiểm thử - Tổ thiết kế hệ thống, Trung tâm phát triển phần mềm.

“Tester như một người gác cổng thầm lặng. Ngoài kỹ năng về công nghệ như kiến thức cơ sở dữ liệu/SQL, ngôn ngữ lập trình thì điều cần nhất của Tester là phải có kỹ năng phân tích, có tư duy phản biện, biết cách đặt câu hỏi và đặt vấn đề thì mới có thể làm Tester giỏi được” - chị đúc kết.

Công việc thường xuyên của chị là tham gia công tác quản lý và trực tiếp thực hiện kiểm thử khi cần thiết. Hiện chị đang phụ trách tổ chức kiểm thử 4 dự án của Trung tâm phát triển phần mềm (thuộc EVNICT). Đồng thời tham gia kiểm thử trong 2 lĩnh vực: Kiểm thử thủ công và kiểm thử tự động.

Chị chia sẻ trong suốt 13 năm gắn bó với nghề Tester, đã có rất nhiều kỷ niệm với cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Thời gian đầu làm việc tại EVNICT, khi nghề Tester vẫn còn mới lạ, đã không ít lần lập trình thể hiện một cách thiếu “thiện cảm” thiếu hợp tác đối với Tester như “Tester là người soi mói, phiền hà”, “Lập trình làm, Tester phá” và thậm chí là “Biết gì mà test”, hoặc tư tưởng “Kệ, cứ code vậy đi. Tester phát hiện lỗi thì sửa sau”…

Trước những phản ứng như vậy, ban đầu chị đã cố gắng tìm đủ mọi bằng chứng, mọi lý lẽ chứng minh lỗi để lập trình phải chấp nhận sửa lỗi. Nhưng khi trưởng thành hơn, chị nhận thấy nếu chỉ tìm cách để lập trình chấp nhận sửa lỗi mình đưa ra là chưa đủ, cần lan tỏa tới dự án thông điệp “Tester và lập trình không phải hai chiến tuyến đối nghịch nhau mà là cùng 1 phe (cùng nhóm trực tiếp sản xuất) cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm sao cho chất lượng tốt nhất có thể và quan trọng là đối tượng mà lập trình và Tester cùng hướng tới là người dùng cuối”.

Suy cho cùng, mục đích cuối cùng của kiểm thử là hỗ trợ nhóm và cùng nhóm làm ra sản phẩm tốt hơn.

Chị luôn hiểu, so với công việc của lập trình thì nhiệm vụ của người kiểm thử có phần nào “nhàn” hơn vì không có Tester thì lập trình vẫn làm ra được sản phẩm, còn không có lập trình thì Tester không có phần mềm để kiểm thử. Hơn nữa, rất khó để định nghĩa như thế nào là “test xong” và trên thực tế thì không có một Tester nào có thể tìm thấy 100% lỗi của chương trình.

Theo quan điểm cá nhân, nếu như chỉ kiểm thử dựa trên danh sách kịch bản kiểm thử có sẵn và kiểm thử thuần túy trên giao diện như nhập dữ liệu rồi quan sát kết quả hiển thị trên màn hình thì đúng là công việc này ai cũng làm được. Nhưng nếu chỉ test như vậy sẽ không hiểu nguyên nhân, cơ chế hoạt động… ở phía sau dẫn tới hạn chế việc tìm thấy những lỗi tiềm ẩn quan trọng khác, có thể ảnh hưởng đến việc bảo trì sau này.

Tester cần phải hiểu sâu rộng về nghiệp vụ, về lĩnh vực hoạt động của phần mềm, về người dùng cuối, cũng như kiến thức công nghệ, kỹ thuật thiết kế Testcase. Có như vậy mới thiết kế được Testcase hiệu quả, biết cách đọc và phân tích tài liệu yêu cầu để phát hiện các thiếu sót sớm, hiểu hoạt động của hệ thống để kiểm thử được đa chiều hơn, hiểu công việc của lập trình để hợp tác ăn ý với nhóm.

Chia sẻ về kinh nghiệm test, chị cho rằng khi nhận yêu cầu test một sản phẩm, nếu chỉ dừng ở mức nhận yêu cầu, viết kịch bản kiểm thử và thực hiện test theo kịch bản đã xây dựng, nếu sản phẩm vận hành đúng theo yêu cầu đặc tả ban đầu thì đánh giá “Passed” là chưa đủ. Chưa đủ tức là chưa đặt mình vào người dùng để trải nghiệm.

Chị thường tự đặt cậu hỏi: Tại sao tính năng được thiết kế như vậy? Nó giúp ích gì cho người dùng? Sẽ như thế nào nếu người dùng thao tác X thay cho thao tác Y của chương trình… Để từ đó, đưa các góp ý tới quản lý dự án vì đó có thể là hành vi mà người dùng có khả năng thực hiện. Theo quan điểm của chị, Tester nên tham gia kiểm thử sớm ngay từ ban đầu bằng cách đọc và phân tích tài liệu, và đưa các góp ý để phát hiện các thiếu sót sớm giúp sản phẩm lúc gần hoàn thiện sẽ ít lỗi hơn, tiết kiệm nguồn lực hơn thay vì một số quan niệm cho rằng “Tester chỉ tham gia vào giai đoạn cuối (khi phần mềm đã gần hoàn thiện) và đảm bảo sản phẩm cuối đạt đúng yêu cầu đặt ra ban đầu”.

Chị Tươi tâm sự, giá trị đóng góp của công việc kiểm thử không rõ ràng trong quá trình phát triển phần mềm và khá nhiều định kiến xem nhẹ vai trò Tester. Nếu sản phẩm đầu ra của Developer là dòng code, là tính năng sản phẩm thì sản phẩm đầu ra của Tester là góp phần ngăn ngừa rủi ro giúp sản phẩm hoàn thiện hơn nhờ vào việc tìm lỗi, nên công việc này chưa được đánh giá đúng mực.

Nhưng trên tất cả, chị vẫn cảm nhận nghề Tester có những niềm vui và thú vị riêng vì công việc khiến chị được tiếp cận nhiều nghiệp vụ khác nhau, được cập nhật nhiều công nghệ mới, tăng khả năng nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, phát triển kỹ năng xử lý tình huống, tăng khả năng giao tiếp và kiên trì hơn.

Luôn trau dồi kiến thức, không ngừng sáng tạo

Chị Tươi thực hiện công việc Tester

13 năm gắn bó với nghề Tester tại EVNICT, chị đã hoàn thành tốt công tác kiểm thử thủ công dự án: FMIS, Quản lý khoản vay, IMIS, HRMS/KPI, EVNPORTAL, HEC, PR và kiểm thử tự động với dự án D-OFFICE trên 3 mô hình dữ liệu: EVNICT, EIC và EVN.

Sáng kiến “Ứng dụng công cụ kiểm thử tự động thực hiện kiểm thử chức năng trên ứng dụng web, nâng cao năng suất, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm thử” của chị đã được lãnh đạo Trung tâm phát triển phần mềm và Công ty đánh giá cao.

Nội dung sáng kiến là nghiên cứu kiểm thử tự động và công cụ thực hiện kiểm thử tự động; Sử dụng công cụ Katalon Studio như một IDE để viết các testcase và script mô phỏng các bước thực hiện testcase một cách tự động mà không cần sự can thiệp của con người, với dữ liệu đầu vào và đầu ra đã được xác định.

Sáng kiến đã giúp nâng cao năng suất kiểm thử, giảm chi phí nhân lực kiểm thử, giảm thiểu lỗi do có thể thực hiện các thao tác lặp đi lặp lại (nhập dữ liệu, click, check kết quả…) dễ gây nhàm chán và dễ nhầm lẫn khi kiểm thử bằng tay trong thời gian dài hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Đồng thời cũng mang lại hiệu quả rất lớn trong giai đoạn bảo trì các dự án.

Mỗi tuần kiểm thử viên có thể phải thực hiện kiểm thử hồi quy từ 1 đến 2 lần với số lượng testcase rất lớn trong 1 đến 2 ngày. Kiểm thử tự động do máy thực hiện, nên độ ổn định cao, do đó  có thể thực thi các Test case với độ chính xác cao hơn, giúp tăng độ bao phủ trong giai đoạn kiểm thử hồi quy; thực hiện được trên nhiều môi trường khác nhau và có thể thực hiện được 1 cách liên tục thường xuyên sẽ đảm bảo chất lượng phần mềm tốt hơn. Hơn nữa, với một bộ kiểm thử tự động, có thể sử dụng cho nhiều phiên bản ứng dụng khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực, giảm chi phí đầu tư dài hạn.

Chị Tươi tâm sự, nghề Tester trong các dự án của EVN vất vả hơn so với các dự án bên ngoài bởi chưa có quy trình phối hợp giữa các bên rõ ràng, hệ thống lớn mà phạm vi yêu cầu nghiệp vụ chưa cụ thể hóa được rõ ràng, luôn luôn thay đổi và tiến độ gấp. Có khi, các Tester thực hiện test một chức năng/module mới ròng rã suốt 5 tháng, nhưng vẫn phải test lại từ đầu khi chức năng thay đổi.

Trong nhóm kiểm thử của chị Tươi, 10 người thì có đến 7 chị em phụ nữ. Đặc thù công việc test phải tập trung, tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận nên các chị em rất chú ý. Chị Tươi kể, có những hôm bận công việc về muộn trong khi chồng chị cũng thường xuyên về rất muộn, hai con nhỏ phải ở lại trường muộn, tới lúc chị đón, con hờn dỗi bảo: ”Mẹ quên đón con à?”

Nghiêm túc trong công việc, sống chân thành và giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp và các mối quan hệ, chị luôn được nhiều người yêu mến. Niềm đam mê trong công việc không khiến người mẹ 2 con như chị thấy vất vả mà chị vui và tự hào về công việc đã chọn và gắn bó. Sự say mê ấy như cái duyên rồi dần dần ngấm vào chị như một sự lựa chọn, đó là lựa chọn hoàn thiện bản thân và kiến thức về test để làm chủ công việc được giao.

Chân thành và giản dị, nghiêm túc và tình cảm, say mê và tỉ mỉ... chị Tươi như một đóa quỳnh lặng lẽ tỏa hương.


  • 03/03/2021 10:59
  • Vân Hồ
  • 1043