Nhiếp ảnh gia không chuyên Nguyễn Ngô Bảo Ngọc: Rung cảm đẹp nhất khi bấm máy là... “sắc áo cam ngành Điện"

Lên cao nguyên Đắk Lắk, một ngày cuối tuần giáp Tết, tôi gặp Nguyễn Ngô Bảo Ngọc trên rẫy cà phê. Dáng người mảnh khảnh, kính cận thư sinh, nhưng Bảo Ngọc vừa biết làm rẫy, vừa vận hành lưới điện lại còn là “tay máy” có tác phẩm ảnh đoạt giải Nhất tại cuộc thi Tự hào EVN…

Anh Nguyễn Ngô Bảo Ngọc

PV: Chào anh Bảo Ngọc! Được biết, ngoài công việc chính tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, cuối tuần anh lại “vào vai” một nông dân. Có phải vì điều này mà anh là người hiểu và sử dụng được nhiều loại máy: máy cày, máy biến áp (MBA), máy ảnh, máy quay phim…?

Nguyễn Ngô Bảo Ngọc: Cứ cuối tuần, gia đình tôi gồm 4 người đều lên rẫy. Tôi mới chỉ tập lái máy cày thôi, chưa thành thạo như bao chàng trai khác ở buôn làng. (cười). Các “món” khác như máy quay phim, máy ảnh, máy tính, smartphone… tôi cũng biết cách sử dụng tốt. Riêng về MBA, tôi được học bài bản trong 3 năm ở Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, ra trường về làm việc tại Điện lực CưM’gar - Công ty Điện lực Đắk Lắk làm công việc vận hành lưới điện và MBA. Hiện nay, tôi làm việc tại Văn phòng Công đoàn - Công ty Điện lực Đắk Lắk, thỉnh thoảng lại vác máy ảnh, máy quay phim cùng đồng nghiệp đi ghi hình phục vụ công tác truyền thông của đơn vị.

PV: Anh có những kỷ niệm nào đặc biệt khi là thợ điện?

Nguyễn Ngô Bảo Ngọc: Tôi nhớ nhất đêm mùng Một Tết năm 2014, ở Điện lực CưM'gar. Lúc đó xảy ra sự cố cháy cáp xuất tuyến tại xã EaTul, cách trụ sở Điện lực CưM'gar hơn 20 km. Ở Tây Nguyên người dân thường dùng máy bơm để tưới cà phê cả ngày lẫn đêm nên rất dễ xảy ra chập cháy! Đường đi vào EaTul xấu lắm, chúng tôi khẩn trương vào xử lý sự cố, kịp đóng điện trở lại  cho bà con. Về tới cơ quan, nhìn đồng hồ đã sang ngày mùng Hai rồi. Với những anh em đảm nhận việc trực vận hành vào dịp Tết là lúc căng thẳng nhất, vì phải đảm bảo điện liên tục và ổn định cho bà con bơm nước, tưới cây. Người nông dân vừa đón Tết, vừa phải chăm sóc cây cà phê. Chúng tôi hiểu rất rõ nên dù vào dịp Tết, thậm trí đêm Giao thừa, thợ điện vẫn bố trí trực điện, đảm bảo dòng điện ổn định, liên tục cho bà con. Đây cũng là kỷ niệm làm tôi suy nghĩ nhiều về công việc của thợ điện, nhất là thợ điện ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Người nông dân cần sự sẻ chia, thấu hiểu, đồng hành của thợ điện.

PV: Mối tương giao, tình nghĩa giữa người dân và thợ điện có phải là nguồn cảm xúc dẫn anh đến với nghề ảnh?

Nguyễn Ngô Bảo Ngọc: Thú thật, niềm đam mê chụp ảnh của tôi xuất phát từ việc mày mò giúp bố tôi làm quen với chiếc máy ảnh từ năm 2008. Lúc đó, bố tôi mua  máy ảnh về phục vụ truyền thông của cơ quan nhưng ông không rành về máy ảnh cho lắm. Thời điểm đó, tôi dùng Internet để tìm hiểu những tính năng, thông số chính của máy ảnh ống kính rời, sau đó nói lại cho bố hiểu. Những bức ảnh đầu tiên tôi bấm máy là những bức ảnh về gia đình. Khi tôi đi làm ở Điện lực huyện CưM'gar, có chút tiền tiết kiệm tôi cũng đã dành để mua máy ảnh. Theo năm tháng, tôi tích cực học thêm kiến thức về nhiếp ảnh từ Internet, từ những nhiếp ảnh gia khác. Giờ đây, khi làm ở Văn phòng Công đoàn, tôi luôn muốn có những góc chụp mới hơn, độc đáo hơn, sáng tạo hơn về con người và thiên nhiên Đắk Lắk. Thác nước, dòng sông và những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Ê Đê, nét đẹp của con người Ê Đê trong mối tương giao với con người ngành Điện luôn có sức hấp dẫn lạ kì với một người còn trẻ như tôi. Nhưng phải nói rằng, những rung cảm đẹp nhất khi bấm máy là khi trong ống kính có sắc màu áo cam của người thợ điện.

Một tác phẩm trong bộ ảnh "Chung tay khắc phục bão lũ và Những ánh sao đêm vùng bão" đạt giải Nhất của tác giả Nguyễn Ngô Bảo Ngọc, Công ty Điện lực Đắk Lắk

PV: Ngắm bộ ảnh của anh "Chung tay khắc phục bão lũ và Những ánh sao đêm vùng bão" vừa đạt giải Nhất cuộc thi Tự hào EVN, người xem cảm nhận rất rõ nét đẹp hồn hậu và chất phác của người dân, những vất vả khó khăn của thợ điện mà không thể viết ra bằng lời. Lúc chụp, anh có sự tính toán nào không?

Nguyễn Ngô Bảo Ngọc: Bộ ảnh này là kết quả… rất tình cờ, rất tự nhiên như gió ngàn thôi! Bão số 9 tràn qua, tôi tham gia đội xung kích khắc phục sự cố sau bão. Tôi được giao nhiệm vụ quay phim, ghi hình làm tư liệu truyền thông. Hôm đó, tôi mang theo máy ảnh cá nhân. Khi đã quay đủ cảnh cho video, tôi lấy máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc anh em công nhân cố gắng hết mình khôi phục dòng điện cho người dân sau cơn bão lớn gây nhiều sự cố điện.
Tôi cũng đã từng là thợ điện, trong thâm tâm tôi lúc nào cũng đồng cảm và muốn ghi lại những giây phút khó khăn, gian khổ của người thợ điện, ngợi ca sự tận tụy hết mình vì nhân dân của anh em thợ điện. Họ phải dậy từ rất sớm và làm việc liên tục đến tận đêm khuya. Điều mà anh em thợ điện luôn nhắc nhở nhau, hãy cố gắng, cố gắng thêm nữa, để dòng điện sáng lên. 
Hy vọng khi được ngắm nhìn những bức ảnh này mọi người sẽ dành cho công nhân ngành Điện sự cảm thông, chia sẻ; biết trân trọng những giọt mồ hôi của thợ điện khi họ quên cả mệt nhọc, quyết tâm cao nhất để sớm khắc phục sự cố, cung cấp điện trở lại cho người dân.

PV: Xin cảm ơn anh. Chúc anh luôn nhiều năng lượng, luôn cháy lửa với nghề, để bắt được nhiều hơn nữa những khoảnh khắc đẹp trong lao động của người làm điện, và đóng góp nhiều hơn những bộ ảnh đẹp cho bộ cơ sở dữ liệu ảnh của ngành Điện Việt Nam. 

Nguyễn Ngô Bảo Ngọc:

- Sinh năm 1991
- Chuyên viên Văn phòng Công đoàn, Công ty Điện lực Đắk Lăk.
- Là tác giả của bộ ảnh "Chung tay khắc phục bão lũ và Những ánh sao đêm vùng bão" đạt giải Nhất cuộc thi Tự hào EVN, năm 2020.
- Là thành viên tích cực của Group “Đồng nghiệp EVN”.

 


  • 02/03/2021 04:13
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1410