Chuyển đổi số - Có cần thay đổi văn hóa doanh nghiệp?

Văn hóa doanh nghiệp có cần thay đổi để thích nghi với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp? Dưới đây là chia sẻ của đại diện một số đơn vị ngành Điện xoay quanh nội dung này.

Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Văn hóa doanh nghiệp - chìa khóa trong chuyển đổi số

Ông Lê Quang Thái

Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp cũng cần đặc biệt chú trọng thay đổi nhận thức, sự vào cuộc của toàn thể người lao động. Chính vì vậy, có thể nói văn hóa doanh nghiệp chính là chìa khóa trong chuyển đổi số.

Doanh nghiệp cần thiết lập một nền văn hóa vững chắc và sẵn sàng cho sự đổi mới trong quá trình chuyển đổi số. Việc đầu tiên cần làm là định hướng, đào tạo cho người lao động, giúp họ hiểu được nguyên nhân tại sao phải chuyển đổi số; chuyển đổi mang đến những cơ hội nào và giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề gì; sẵn sàng đón nhận một số rủi ro như một phần của quá trình chuyển đổi…

Tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), thời gian qua lãnh đạo Tổng công ty đã rất quan tâm công tác đào tạo văn hóa số cho CBCNV nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi nhận thức và thực thi chương trình chuyển đổi số toàn diện của Tổng công ty.

Để triển khai chuyển đổi số cũng như xây dựng doanh nghiệp số thành công thì văn hoá doanh nghiệp được xem là một trụ cột then chốt và doanh nghiệp cần chủ động ngay từ đầu trong việc xây dựng văn hoá số cho nhân viên. Nếu doanh nghiệp có nền tảng văn hoá số thì mục tiêu xây dựng doanh nghiệp số sẽ được thúc đẩy nhanh chóng và đạt được những kết quả bền vững.

Trên thực tế, người lao động có thể sẽ gặp những thách thức về nhận thức, sự hiểu biết, khả năng tham gia chuyển đổi số, vì thế EVNNPC đã “đón đầu” đẩy mạnh công tác đào tạo để người lao động có hiểu biết sâu sắc về bản chất ứng dụng của chuyển đổi số, văn hoá số, từ đó có sự quan tâm tích cực đến nhu cầu, hiện trạng các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số của đơn vị như dữ liệu, quy trình, phần mềm ứng dụng, khách hàng và công nghệ số…

Xét về một khía cạnh nào đó, khi chuyển đổi số, DN cũng cần xem xét "chuyển đổi số VHDN", nhưng điều quan trọng là làm thế nào để không làm mất đi sự độc đáo, riêng biệt, giữ vững truyền thống đã được vun đắp, xây dựng trong suốt thời gian hình thành và phát triển DN.

Ông Hà Cao Đông - Phó Trưởng Phòng Hành chính và Lao động, Công ty Thủy điện Ialy: Cần đánh giá, rà soát lại những giá trị văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Ông Hà Cao Đông

Chuyển đổi số là chủ trương lớn của quốc gia theo xu hướng toàn cầu, là sự thay đổi tất yếu trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Để thích nghi với quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp không nhất thiết phải tái tạo văn hóa doanh nghiệp nhưng cần đánh giá, rà soát lại những giá trị phù hợp và không phù hợp với chuyển đổi số trong từng giai đoạn để có những điều chỉnh cần thiết và có kế hoạch triển khai cụ thể. Đồng thời, thực hiện khảo sát, đo lường tác động của việc điều chỉnh văn hóa lên tiến trình chuyển đổi số.  

Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể thay đổi từ cơ sở vật chất như mua công nghệ mới nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng mới hay thiết lập quy trình mới… Tuy nhiên, nếu không có sự trợ giúp từ nguồn nhân lực thì rất khó để chuyển đổi những giá trị mới. 

Nếu như trước đây với một số CBCNV Công ty Thủy điện Ialy, thuật ngữ “chuyển đổi số” vẫn còn là một khái niệm “hàn lâm” thì đến nay, câu hỏi thường trực mà mỗi thành viên Ialy khi thực hiện nhiệm vụ đặt ra chính là “việc này có thể chuyển đổi số được hay không, nếu chuyển đổi thì phải thực hiện như thế nào?”. 

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Giám đốc Công ty nên Ialy đã khá thành công trong chuyển tải thông điệp về chuyển đổi số, thay đổi và nâng cao nhận thức của từng thành viên Ialy đối với lĩnh vực này. Trong chuyển đổi số cần sự đồng lòng của toàn thể người lao động, tuy nhiên người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò tiên phong, dẫn dắt tập thể.

Bất kỳ nỗ lực chuyển đổi nào, dù là về tổ chức, công nghệ hay văn hóa đều phải bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy thông qua đào tạo, tập huấn, hoặc các hoạt động chia sẻ tri thức nội bộ. Theo đó, Công ty Thủy điện Ialy đã tổ chức các khóa đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho toàn thể CBCNV; ban hành kế hoạch truyền thông chuyên đề về chuyển đổi số; tổ chức cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo" chủ đề "Ialy với công cuộc chuyển đổi số" thu hút được nhiều cá nhân, đơn vị tham gia với nhiều ý tưởng hay và thiết thực. Có thể nói, đổi mới, sáng tạo là yêu cầu bắt buộc trong chuyển đổi số và tư duy đổi mới sẽ giúp lãnh đạo và toàn thể người lao động bắt kịp nhịp độ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Bước đầu trong công tác chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Ialy chính là “Thành công đến từ cam kết thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt của người đứng đầu tổ chức và sự hưởng ứng tham gia của tất cả mọi người”.

Bà Lý Minh Hằng - Ban Tổ chức và Nhân sự, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia: Văn hoá doanh nghiệp là một trong những “trụ cột” của chuyển đổi số

Bà Lý Minh Hằng

Muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp phù hợp, bởi văn hóa tác động trực tiếp tới yếu tố con người trong doanh nghiệp. Hiện nay, việc số hóa tại các doanh nghiệp về cơ bản đã được áp dụng, tuy nhiên đây chưa phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số cần phải gắn liền “chuyển đổi” con người.

Văn hoá số được xem là kết quả của tiến trình thực hiện chuyển đổi số, cũng là mục tiêu xây dựng doanh nghiệp số bền vững. Ngoài việc chuyển đổi nhận thức chung cho CBCNV thì cần phải xây dựng một nền tảng văn hoá số để quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và có tính đổi mới, sáng tạo. 

Theo kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là những doanh nghiệp làm tốt công tác chuyển đổi về văn hoá. 

Tại EVNNPT, xác định rõ tầm quan trọng của văn hoá số trong việc dẫn dắt, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công, Tổng công ty luôn tích cực đẩy mạnh chuyển đổi toàn diện nhận thức cho CBCNV về chuyển đổi số và các giá trị văn hoá mới tạo nên chuyển biến sâu rộng trong toàn Tổng công ty, nâng cao tính sẵn sàng và tư duy đổi mới sáng tạo của CBCNV và người lao động.

EVNNPT đã tổ chức các chương trình hội thảo văn hóa số nhằm nâng cao tính sẵn sàng, thúc đẩy chuyển đổi số và để đưa văn hoá số đi vào đời sống và công việc của người lao động một cách thiết thực, hiệu quả. 

Trên cơ sở đó, CBCNV nắm được bản chất của chuyển đổi số với các công nghệ số đột phá, các đích đến quan trọng của chuyển đổi số; định hình văn hoá mạnh cho doanh nghiệp số và văn hoá làm việc cộng tác số cần có trong tương lai. 

Bên cạnh đó, EVNNPT cũng đã tổ chức các lớp đào tạo nhận thức về văn hóa số cho CBCNV. Tổng công ty cũng đã có những bước chuẩn bị tích cực trong vấn đề tiếp cận văn hóa số để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong Tổng công ty. 


  • 06/10/2022 03:22
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực
  • 2755