Đào tạo phải luôn sát với thực tiễn

Đó là quan điểm của ông Lê Trí Thiện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực ngành Điện. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và cũng là dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường, evn.com.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trí Thiện về chặng đường xây dựng phát triển và những định hướng của nhà trường trong thời gian tới.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trí Thiện 

PV: Ông có thể điểm lại chặng đường phát triển và những kết quả nổi bật Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua?

Ông Lê Trí Thiện: Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh là một ngôi trường có bề dày truyền thống 45 năm, thương hiệu của trường cũng gắn liền với ngành Điện miền Nam từ khi thành lập đến nay.

Với tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật điện, năm 1997 trường được nâng cấp và đổi tên thành Trường Trung học Điện 2 và từ năm 2005 đến nay là Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhà trường đã trải qua không ít khó khăn, thăng trầm, nhưng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam và được sự ủng hộ, động viên của các đơn vị trong ngành Điện, đặc biệt là sự nỗ lực hết mình của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nên nhà trường đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, từ những năm 1986 đến 1996 nhà trường đã tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia như xây dựng và vận hành Nhà máy Thủy điện Trị An, đường dây 500kV Bắc Nam (mạch 1); chương trình điện khí hóa nông thôn,… Đến giai đoạn 1995-2000 khi tốc độ phát triển kinh tế tăng nhanh, khối lượng các trạm biến áp và đường dây 110 kV, 220kV được xây dựng và vận hành ngày càng lớn, thì nhà trường đã kịp thời xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ vận hành viên trạm biến áp, quản lý đường dây để cung cấp nguồn nhân lực này. Các công trình trọng điểm như Trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ, TT Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải… đều có sự tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực của nhà trường.

Hiện nay, việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ngành Điện ngày càng cao như tự động hóa trạm biến áp, lưới điện thông minh, điều khiển tự động,.. nhà trường cũng đã và đang đầu tư nguồn lực để bắt kịp với xu thế. Những năm qua nhà trường đã có nguồn nhân lực làm chủ được công nghệ và tổ chức đào tạo các chuyên đề như đấu nối cáp ngầm trung thế, huấn luyện sửa chữa điện nóng lưới điện phân phối, vệ sinh lưới điện phân phối, lắp đặt điện mặt trời mái nhà,… bên cạnh nhiều chuyên đề đào tạo bám sát nhu cầu sản xuất kinh doanh của Tổng công ty như như tự động hóa trạm biến áp, trực ban vận hành lưới điện, quản lý hệ thống đo đếm điện năng,… Thí nghiệm chẩn đoán thiết bị công nghệ CBM, sửa chữa lưới điện 110kV đang mang điện, đấu nối cáp ngầm 110kV, lưới điện thông minh, trạm biến áp thông minh...

Sinh viên thực hành thi công hệ thống điện mặt trời 1 pha. Ảnh: ĐVCC

PV: Là một ngôi trường trực thuộc doanh nghiệp (Tổng công ty Điện lực miền Nam), nhà trường có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình xây dựng và phát triển để trở thành một trong những cái nôi đào tạo nhân lực cho ngành Điện như hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Trí Thiện: Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) rất quan tâm đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung và công tác đào tạo của nhà trường nói riêng, luôn tạo điều kiện cho nhà trường trong công tác đầu tư trang thiết bị hiện đại sát với thực tế. Năm 2020, EVNSPC đầu tư gần 4 tỷ đồng cho các thiết bị trạm biến áp 110kV phục vụ công tác đào tạo. Năm 2020 và 2021 nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp trang thiết bị phục vụ thực hành lắp đặt điện mặt trời trị giá hàng trăm triệu đồng... Nhờ đó, các chương trình đào tạo của nhà trường luôn bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh của ngành Điện; thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ từ 60 -70%, lý thuyết chiếm từ 30-40%.

Trong thời gian học tập tại trường, học sinh sinh viên được thực tập trên các trang thiết bị hiện đại như các trang thiết bị đang lắp đặt, vận hành trên lưới điện thực tế. Các xưởng thực hành trong nhà, ngoài trời, mô hình trạm biến áp,.. đều được thiết lập, bố trí như thực tế.

Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị để phục vụ giảng dạy, EVNSPC còn tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường tham gia nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu giúp nâng cao năng lực chuyên môn; xây dựng các cơ chế, chính sách để nhà trường tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Tổng công ty, giúp tăng nguồn thu đảm bảo đời sống CBCNV.

Những năm gần đây, nhà trường gặp khó khăn do chính sách tăng năng suất lao động của ngành Điện, đưa công nghệ mới, tự động hóa mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nên ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Mặt khác, hiện nay cơ chế của nhà nước đối với các trường thuộc doanh nghiệp Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nên nhà trường gặp khó khăn đối với việc đầu tư, hạch toán, khấu hao tài sản cố định,…

Công ty CP Thiết bị điện Vinasino tài trợ nhà trường thiết bị phục vụ học tập. Ảnh: ĐVCC

PV: Trong bối cảnh EVN hiện đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã “bắt nhịp” như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trí Thiện: Năm 2021 thực hiện chủ đề năm “Tích cực tham gia chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam và nâng cao công tác đầu tư xây dựng trong Tổng công ty Điện lực miền Nam” nhà trường đã đẩy mạnh các hoạt động như: tăng cường công tác đào tạo trực tuyến cho các lớp đào tạo sinh viên chính quy dài hạn cũng như các lớp đào tạo ngắn hạn; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện xây dựng các bài giảng e-learning; tổ chức chuyển đổi hình thức từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến nhiều lớp đào tạo trong kế hoạch đào tạo của EVNSPC và EVN năm 2021; xây dựng các ngân hàng đề thi số phục vụ tổ chức học và sát hạch nghề trên máy tính; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và sử dụng các phần mềm dùng chung của tập đoàn, tổng công ty trong công tác quản lý,…

Để có những bước đi vững chắc nhà trường đã xây dựng lộ trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ trong công tác áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo, quản lý; lộ trình xây dựng các ngân hàng bài giảng số, tài liệu số, giáo trình số, thư viện số. Trong công tác quản lý tiếp tục sử dụng và khai thác các phần mềm dùng chung, tiến tới số hóa cơ sở dữ liệu quản lý, đào tạo. Đầu tư trang bị các phòng học số, phòng họp số tăng cường công tác đào tạo và quản lý hiệu quả, đào tạo từ xa. Trong đó, nhà trường xác định việc đầu tư bồi dưỡng đội ngũ nhân lực để thực hiện lộ trình trên là quan trọng hàng đầu.

PV: Xin ông cho biết những một vài định hướng phát triển trong thời gian tới của nhà trường?

Ông Lê Trí Thiện: Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tạo điều kiện khuyến khích đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, khoa học công nghệ trong đội ngũ giảng viên; tăng cường ứng dụng số trong công tác quản trị trường học; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo; đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo phù hợp xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành Điện (công nghệ, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên,…); thực hiện các công tác đảm bảo chất lượng theo quy định như ISO, hệ thống quản lý hiệu quả công việc KPI, kiểm định trường theo quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 


  • 18/11/2021 02:03
  • Thu Giang (thực hiện)
  • 2073