"Bí quyết vàng" giúp Jack Ma gây dựng đế chế tỷ đô

Jack Ma - người sáng lập tập đoàn Alibaba đã pha trộn các công nghệ, văn hóa và thuyết quản lý Đông Tây kim cổ để vận hành, phát triển đế chế công nghệ đa ngành.

Alibaba đã huy động được hơn 20 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 19/9/2014, nâng giá trị vốn hóa của tập đoàn này lên 240 tỷ USD. Tại thời điểm đó, Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc và là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá hơn 18 tỷ USD.

Alibaba không phải là một doanh nghiệp thương mại điện tử thuần túy mà còn gặt hái lợi nhuận từ các mảng như thanh toán điện tử, điện toán đám mây, giải trí trực tuyến, cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng và quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, cái cách mà Jack Ma, từ một giáo viên tiếng Anh đến từ tỉnh lẻ Hàng Châu đã xây dựng, vận hành và nâng tầm đế chế Alibaba lên giá trị 460 tỷ USD trong vòng 20 năm qua trở thành dấu hỏi lớn cho giới doanh nhân, các startups và ngay cả công chúng.

Xây dựng thương hiệu nhà lãnh đạo truyền cảm hứng

Jack Ma được biết đến là vị tỷ phú tự thân, tức là ông làm giàu từ chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Ngay từ khi khởi nghiệp, Jack Ma gặp muôn vàn khó khăn về vốn, công nghệ lẫn chiến lược kinh doanh. Bằng giấc mơ làm giàu, ông từng bước chinh phục những khó khăn chẳng chừa một ai đó để mang thương hiệu Alibaba nổi danh tại Trung Quốc và trên toàn cầu.

Theo Jack Ma, thành công đầu tiên của một thương hiệu chính là ông phải xây dựng được cho mình quy tắc quản trị nhân sự riêng để thu hút nhân tài và người lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng không chỉ dành cho nhân viên của mình mà còn trên toàn thế giới. Bởi theo ông, khi người đứng đầu được yêu mến thì sẽ được nhân viên tin tưởng, phụng sự và chọn doanh nghiệp đó làm nơi để làm việc và cống hiến. Đây chính là cách quản lý nhân sự của Jack Ma từ mình đến ta mà hiếm nhà kinh doanh nào làm được.

Hiện nay, Jack Ma không chỉ là tỷ phú mà còn là nhà viết sách và diễn giả được giới trẻ yêu thích.

Khuyến khích nhân viên đóng góp ý tưởng

Jack Ma khuyến khích nhân viên trồng cây chuối trong văn phòng. Ông cũng hoan nghênh mọi ý kiến thẳng thắn từ nhân viên của mình, không phân biệt cao thấp. Ông đề cao những câu hỏi, nghi vấn hay ý tưởng sáng tạo từ cấp dưới.

Jack Ma cho rằng một lãnh đạo thấu hiểu, tôn trọng nhân viên của mình thì mới có thể tạo dựng niềm tin và đồng hành cùng nhân viên của mình. Điều này rất quan trọng đối với quản trị nhân sự, bởi nó thúc đẩy lòng trung thành và xây dựng một nền tảng vững chắc làm cơ sở cho sự nghiệp phát triển của công ty.

Kinh doanh, đừng cứng nhắc

Jack Ma xây dựng văn hóa doanh nghiệp “khác lạ” tại Alibaba từ những ngày đầu. Nghe có vẻ sáo rỗng và lỗi thời nhưng thực tế đã chứng minh thành công của Jack Ma.

Tỷ phú Trung Quốc đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp với sự gắn kết, hòa nhập và vui vẻ của nhân viên. Ông quan niệm đặc trưng của nhân viên chính là thương hiệu và hình ảnh của công ty. Bản thân Jack Ma luôn gắn với hình ảnh một người tràn đầy năng lượng, bộc trực, vui vẻ và dễ gần, thậm chí hát karaoke cùng nhân viên.

Vị tỷ phú luôn biết cách tạo bầu không khí làm việc cho nhân viên. Ông còn được ví như người cha, người thầy truyền cảm hứng, hay nhạc trưởng. Nhờ đó, Jack Ma luôn có một e-kip quản lý và nhân viên siêu trung thành và hết mình phó tá đến “cùng trời cuối đất”.

Jack Ma dành nhiều năm nghiên cứu văn hóa và phương thức quản lý phương Tây và các doanh nghiệp thành công để “gạn đục khơi trong”. Ông biết cách chắt lọc tinh hoa quản trị phương Tây gắn nó văn hóa dân tộc và thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc để tạo ra đế chế thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc.

Đổi mới trên vai người khổng lồ

Jack Ma luôn hiểu rằng đổi mới không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với phát minh. Giống như Steve Jobs - không phải người phát minh máy nghe nhạc kỹ thuật số, hay Bill Gates - không phát minh hệ điều hành máy tính, Jack Ma gây dựng đế chế của mình dựa trên những nền tảng có sẵn. Đơn cử, eBay vốn là trang thương mại điện tử tiêu dùng lớn nhất và thành công nhất trên thế giới vào thời điểm Jack Ma ra mắt sàn giao dịch điện tử Taobao.

Điều khiến Jack Ma thành công là biết điều chỉnh và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử phù hợp với văn hóa, lịch sử, triết lý và tư duy của người Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Jack Ma thiết lập tính năng trò chuyện thời gian thực trên Taobao, giúp người mua và người bán tạo quan hệ, xây dựng niềm tin khi đàm phán ở thời gian thực.

Bay cao cùng “đại bàng”

Sự khôn khéo của Jack Ma ở chỗ kết nối với những “đại bàng” - những nhà quản lý thông minh, có năng lực và sáng tạo quanh mình. Tỷ phú Trung Quốc không bao giờ cho mình là chuyên gia “biết tuốt” và cũng không mặc định ông là người sáng lập tập đoàn nên phải giành quyền quản lý mọi mảng miếng kinh doanh. Một điều rất lạ, Jack Ma luôn sẵn sàng thu nạp các giám đốc điều hành ngoại quốc để thực hiện mục tiêu Đông - Tây kết hợp.

Tỷ phú Trung Quốc kết bạn với Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo và Masayoshi Son, chủ tịch của gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản Softbank. Cả hai đều là những nhà đầu tư vào Alibaba từ rất sớm và giúp tập đoàn Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Yahoo và Softbank đã được “hoàn vốn” rất nhiều vào ngày Alibaba thực hiện IPO.

Thành công ở Jack Ma cho thấy doanh nhân thành công là người biết học cách để người khác chia sẻ và cùng kiểm soát công việc và họ chỉ nên làm những điều vì doanh nghiệp, chứ không phải vì cái tôi.

Với doanh nhân, điều quan trọng là biết cách xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp, đồng thời không quá coi trọng cái tôi của người làm chủ.

Link gốc


  • 23/12/2020 09:25
  • Nguồn: enternews.vn
  • 2712