Tại sao nhân viên Netflix có mức lương cao ngất ngưởng?

Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Reed Hastings (ông chủ Netflix) về việc tại sao những nhân viên của ông lại được trả lương vô cùng hậu hĩnh.

“Trong những năm đầu tiên của Netflix, Công ty đã phát triển vô cùng nhanh chóng và cần tuyển thêm nhiều kỹ sư phần mềm để hỗ trợ ứng dụng. Netflix tập trung vào việc tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài vì đối với tôi, nhân viên chất lượng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ thành công của Công ty.

Nhiều người đến từ Thung Lũng Silicon đã làm việc cho Google, Apple và Facebook với mức lương rất hậu hĩnh. Netflix không có tiền để dụ họ đi dù chỉ là số lượng nhỏ. Tuy nhiên, là một kỹ sư, tôi đã quen với một khái niệm đã được hiểu trong phần mềm từ năm 1968, được gọi là “nguyên tắc ngôi sao nhạc rock”.

Nguyên tắc ngôi sao nhạc rock bắt nguồn từ một nghiên cứu nổi tiếng diễn ra tại một tầng hầm ở Santa Monica, California. Lúc 6:30 sáng, 9 lập trình viên tập sự được dẫn vào một căn phòng với hàng chục máy tính. Mỗi người được trao một phong bì giải thích một loạt các nhiệm vụ mã hóa và gỡ lỗi mà họ sẽ cần hoàn thành với khả năng tốt nhất của mình trong 120 phút tới.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng rằng lập trình viên giỏi nhất sẽ làm tốt hơn đối tác trung bình gấp hai tới ba lần. Thế nhưng, con số đó hoá ra lại lớn hơn nhiều. Người giỏi nhất (có điểm số cao nhất) có thể viết mã nhanh hơn 20 lần, gỡ lỗi nhanh hơn 25 lần và thực thi chương trình nhanh hơn 10 lần so với lập trình viên kém nhất (có điểm số thấp nhất).

Nghiên cứu này đã gây ra những làn sóng trong ngành công nghiệp phần mềm kể từ khi nó được xuất bản. Tại thời điểm đó, các nhà quản lý vẫn còn đang vật lộn với việc một số lập trình viên có thể đáng giá hơn nhiều so với các đồng nghiệp khác.

Với một số tiền cố định để trả lương và một dự án cần được hoàn thành, tôi có thể chọn một trong hai điều này: thuê 10 đến 25 kỹ sư trung bình hoặc thuê một “ngôi sao nhạc rock” và trả nhiều hơn đáng kể so với những gì tôi sẽ trả cho những người khác.

Qua nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, tôi đã rút ra cho mình được một bài học: một lập trình viên giỏi nhất không tăng gấp 10 lần giá trị, mà là 100 lần.

Bill Gates, người mà tôi đã làm việc cùng trong hội đồng quản trị Microsoft, đã đưa ra con số còn lớn hơn thế. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Một người vận hành máy giỏi có mức lương gấp vài lần lương của một người vận hành máy trung bình, nhưng một người viết mã phần mềm giỏi có giá trị gấp 10.000 lần một người viết phần mềm trung bình.”

Trong ngành công nghiệp phần mềm, đây là một nguyên tắc được nhiều người biết đến (mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi).

Tôi bắt đầu nghĩ về nơi mà mô hình này được áp dụng bên ngoài ngành công nghiệp phần mềm. Lý do khiến những kỹ sư “ngôi sao nhạc rock” có giá trị hơn nhiều so với những người đồng nghiệp của họ không phải duy nhất ở lĩnh vực lập trình.

Kỹ sư phần mềm tuyệt vời này cực kỳ sáng tạo và có thể nhìn thấy các mẫu khái niệm mà những người khác không thể. Họ sẽ có một quan điểm có thể điều chỉnh được, vì vậy khi bị mắc kẹt trong một cách suy nghĩ cụ thể, họ sẽ có cách để thúc đẩy bản thân nhìn xa hơn.

Đây là những kỹ năng tương tự cần thiết trong bất kỳ công việc sáng tạo nào. Patty McCord, người vào thời điểm đó là giám đốc tài năng của Netflix và cũng chính là một trong những “ngôi sao nhạc rock” mà tôi muốn hướng tới.

Ở Netflix, chúng tôi chia công việc thành vai trò vận hành và vai trò sáng tạo.

Nếu bạn đang thuê một người nào đó cho vị trí vận hành, chẳng hạn như một người múc kem, nhân viên giỏi nhất có thể mang lại gấp đôi giá trị so với mức trung bình. Một người xúc thực sự tốt có thể làm nhiều hơn gấp hai hoặc ba lần số lượng một người bình thường có thể. Thế nhưng, điều đáng cân nhắc ở đây là giá trị mà một muỗng kem có thể mang lại. Theo tôi, đối với các vai trò vận hành, bạn có thể trả một mức lương trung bình và công ty của bạn vẫn có thể hoạt động rất tốt.

Tại Netflix, chúng tôi không có nhiều công việc như vậy. Hầu hết các chức vụ của chúng tôi đều dựa vào khả năng đổi mới và thực thi sáng tạo của nhân viên. Trong tất cả các vai trò sáng tạo, người giỏi nhất có thể làm tốt hơn mức trung bình gấp 10 lần.

Năm 2003, Netflix không có nhiều tiền nhưng chúng tôi lại có rất nhiều thứ cần phải hoàn thành. Chúng tôi đã phải suy nghĩ cẩn thận về cách công ty sẽ chi tiêu số tiền ít ỏi mà mình có. Chúng tôi xác định rằng đối với bất kỳ vị trí nào, khi có giới hạn rõ ràng về mức độ của công việc, chúng tôi sẽ trả mức lương trung bình so với thị trường.

Tuy nhiên, đối với tất cả các công việc sáng tạo, chúng tôi sẽ trả lương cho nhân viên đứng đầu vô cùng hậu hình, thay vì sử dụng chính số tiền đó để thuê một tá người thực hiện điều này. Nhờ vào việc làm đó, Netflix đã có một lực lượng lao động tinh gọn. Chúng tôi dựa vào một người vĩ đại để thực hiện công việc của nhiều người, nhưng chúng tôi sẽ trả cho họ rất nhiều.

Đây là cách mà công ty tìm kiếm và tuyển dụng đa số các nhân viên. Cách tiếp cận này cũng cho thấy những sự thành công đáng kể. Netflix đã tăng tốc độ đổi mới và số lượng sản phẩm của mình theo cấp số nhân.

Tôi cũng nhận thấy rằng việc có một lực lượng lao động tinh gọn còn có nhiều lợi thế phụ. Quản lý tốt con người là vô cùng khó và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Việc quản lý những nhân viên làm việc tầm thường thậm chí còn khó hơn và tốn nhiều thời gian hơn.

Bằng cách duy trì một tổ chức nhỏ gồm các nhóm tinh gọn, mỗi người quản lý sẽ phải để mắt tới ít người hơn và do đó có thể làm tốt công việc của mình hơn. Đồng thời, khi chúng tôi duy trì các nhóm tinh gọn này bao gồm các nhân viên xuất sắc, việc quản lý thậm chí còn diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều lần.”

Link gốc


  • 09/09/2020 02:17
  • Nguồn: enternews.vn
  • 2679