Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An trong buổi làm việc với Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc - ông Selwin Hart vào ngày 9/8, tại Hà Nội.

Trong buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về vấn đề thực thi cam kết của Việt Nam tại COP 26 thông qua chuyển dịch năng lượng. Ông Selwin Hart mong muốn phía Bộ Công Thương chia sẻ lộ trình giảm nhiệt điện than cũng như các giải pháp phát chuyển dịch năng lượng nhằm hiện thực hóa cam kết COP 26 của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An làm việc với Tư vấn đặc biệt và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc - ông Selwin Hart. Ảnh: Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ, định hướng phát triển trong dự thảo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ Việt Nam là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế đặc biệt là khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Để thực hiện tốt vấn đề này, Việt Nam đang chờ thời điểm thương mại hóa về công nghệ để việc thay thế nguồn điện sơ cấp được đảm bảo.

Trên cơ sở cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nguyên tắc: Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, …

Trong tương lai, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt chú trọng vào tiềm năng điện gió ngoài khơi.

“Việt Nam sẽ không phát triển mới các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030 chỉ triển khai tiếp các dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc đã có cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT. Sau 2030, Việt Nam định hướng đốt trộn than và armonia hoặc biomass để hướng tới chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.

Việt Nam đã đưa vào dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 7 GW và đến năm 2045 là khoảng 65GW. Để đầu tư theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, mỗi năm Việt Nam cần trung bình từ 8-14 tỷ USD, con số này phụ thuộc vào kịch bản phát triển kinh tế. Trong đó 25% số tiền đầu tư cho phát triển lưới truyền tải, 75% còn lại cho nguồn phát.

Trao đổi về vấn đề nguồn vốn, ông Selwin Hart bày tỏ mong muốn Việt Nam tìm hiểu và tận dụng cơ chế Just Energy Partnership JETP của nhóm các nước G7 cam kết hỗ trợ 8,5 tỷ USD cho các nước khu vực châu phi, châu Á (tuyên bố được nêu trong dịp COP26 tại Glassgow Anh quốc tháng 11/2021) và ETM (Energy Transition Mechanism) của ADB để có được sự hỗ trợ của các nước tiên tiến, các tổ chức quốc tế trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng.


  • 10/08/2022 10:45
  • Thuý Linh
  • 3824