Tiết kiệm năng lượng trong các cơ sở công nghiệp: Giảm áp lực cho hệ thống điện, nâng cao hiệu quả nền kinh tế

Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tiêu thụ năng lượng của lĩnh vực công nghiệp đã chiếm tới gần 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc hàng năm. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Tiết kiệm năng lượng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Ảnh: Internet.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3). Để đạt được mục tiêu đã đặt ra đòi hỏi nhiều giải pháp công nghệ và sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự đầu tư về các nguồn lực tài chính, con người.

Theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 9/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2020, cả nước có 2961 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhưng tiêu thụ tới 33% tổng lượng điện toàn quốc. Ngành công nghiệp chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Trong đó, 2.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, 13 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 80 đơn vị vận tải, 388 công trình xây dựng.

Các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm chiếm phần lớn trong việc sử dụng năng lượng. Nếu mức tiêu thụ điện trọng điểm tiết kiệm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kWh, tức là tiết kiệm được khoảng 2.700 tỷ đồng.

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng cho rằng, ngay từ bây giờ, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như ximăng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.

Đồng thời, cần đầu tư nâng cao năng lực quản lý của cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, Trung tâm tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng là công cụ then chốt giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu net zero vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống. Bên cạnh đó, tiết kiệm năng lượng cũng là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, chương trình “Tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm”.

Để tránh lãng phí năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp này, Chính Phủ, Bộ Công Thương đã có những quy định và chế tài cụ thể. Theo đó, yêu cầu cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lập kế hoạch sử dụng hàng năm và 5 năm, báo cáo Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thông qua các Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt cơ sở.

Đồng thời cơ sở trọng điểm phải có trách nhiệm xây dựng và duy trì hiệu quả sử dụng năng lượng, bổ nhiệm người quản lý năng lượng là những người được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Công Thương và tiến hành kiểm toán năng lượng ít nhất 1 lần trong vòng 3 năm. Trên cơ sở báo cáo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng và các giải pháp về tiết kiệm năng lượng theo khuyến nghị báo cáo kiểm toán năng lượng của Bộ Công Thương.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho 7 lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: hoá chất, thép, bia - rượu - nước giải khát, ngành nhựa, giấy và bột giấy, chế biến thuỷ hải sản và mía đường. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, xây dựng định mức quy chuẩn để áp dụng với một số ngành nữa, bao gồm: da giày, chế biến thực phẩm, dệt may. Đồng thời phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng quy chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng đối với một số ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành xi măng, sản xuất kính…


  • 28/09/2022 02:02
  • H.Linh
  • 1540