Nông dân tỉnh Trà Vinh tiết kiệm điện, nước nhờ hệ thống phun tưới tự động

Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Phun tưới tự động là một trong những hình thức ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với nhiều ưu điểm vượt trội, như: tiết kiệm điện, nước, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất… Hiện công nghệ tưới này đang được người nông dân ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Điều mà bà con nông dân luôn quan tâm, nhất là đối với người canh tác cây ăn trái là việc giảm bớt thời gian, công sức bỏ ra mà cây trồng vẫn phát triển tốt, đặc biệt với những công việc có tính liên tục như: tưới nước, phun thuốc, bón phân...

Ông Nguyễn Văn Hiện, 43 tuổi, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long cho biết quy mô sản xuất 10.000 m2 đất, trước đây ông trồng thanh long giá bán thấp, nên chuyển sang trồng chanh (gần 1 năm nay). Ông mua và tự lắp đặt hệ thống phun nước tự động, chi phí 22 triệu đồng. Theo ông Hiện với 10 công đất trồng chanh, thời gian tới tiêu cùng một lúc khoảng 15 phút là xong, nước thấm đều vào gốc và thân cây, so với trước đây nếu tưới bằng ống dẫn nước, phải tưới cả 0,5 ngày, tiết kiệm khoảng 300.000 đồng tiền điện mỗi tháng.

Ông Nguyễn Thế Minh, 65 tuổi, ấp Dừa đỏ 3, xã Nhị Long, huyện Càng Long, quy mô trồng 500 gốc ca cao, đến nay đã 10 năm. Hiện nay cứ khoảng 10 ngày thu hoạch một lần, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 13,8 tấn, giá bán 5.000đ/kg, thu về khoảng 69 triệu đồng/năm. Ông Minh mua, tự lắp đặt hệ thống hệ thống phun nước tự động, chi phí 30 triệu đồng. Theo ông Minh so với trước đây thì tưới phun nước thấm đều hơn, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tăng năng suất lao động. So với tưới tràn trước đây là khoảng 8 giờ, nay tưới tự động giảm xuống tối đa chỉ còn 2 giờ (thời gian giảm 06 giờ).

Nhân viên Điện lực Càng Long tư vấn hướng dẫn ông Nguyễn Thế Minh, ấp Dừa đỏ 3, xã Nhị Long, huyện Càng Long sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, mực nước dưới các con kênh trở nên khô cạn khiến không có nước tưới, cũng như các vùng đất bị nhiễm mặn. Để khắc phục những khó khăn do nắng hạn gây ra, các hộ dân chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để tiết kiệm điện, nước tưới và nâng cao hiệu quả sản xuất trong mùa khô hạn.

Ông Trần Công Định, 51 tuổi, ấp Nhì xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, quy mô sản xuất  2.000 m2 đất trồng màu: bí đao, dưa leo, khổ qua. Theo ông Định, ngoài tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động gấp đôi so với trước đây, áp dụng hệ thống tưới nước tự động có thể giữ được độ ẩm của đất và phun tưới đều khắp các luống cây, giúp rau màu không bị khô héo, đặc biệt quan trọng khi tiết kiệm được nước trong mùa khô.

Ông Cao Văn Tám, Ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, Càng Long, quy mô 4.000m2 đất trồng: hành, cà chua, ớt, rau cần, rau các lọai… xen canh, các loại cây này thuộc ngắn ngày, khoảng 40 ngày trở lên là cho thu hoạch. Để rau màu không bị ảnh hưởng bởi khô hạn, ông đã đầu tư hệ thống tưới nước phun tự động số tiền trên 10 triệu đồng.

"Sau khi áp dụng hệ thống tưới phun tự động, tôi thấy rất hiệu quả. Lúc trước, tôi chủ yếu tự tưới bằng ống nhựa, cách này tốn nhiều nước. Tình hình khô hạn đang kéo dài, cần phải xài nước tiết kiệm, nếu không sẽ không đủ nước sản xuất, nên tôi chuyển sang đầu tư hệ thống tưới tự động. Với cách làm này, vừa giúp tôi tiết kiệm nước mà cũng đỡ tốn công, chỉ cần bật công tắc điện thì nó tự phun tưới. Có hệ thống tưới nước này rồi, rau màu nhà tôi luôn xanh tốt và cho năng suất cao, tôi thấy yên tâm sản xuất", ông Tám cho biết.

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tưới nước tiết kiệm này là người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, đồng thời điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng nên tiết kiệm đáng kể nguồn nước, từ đó tiết kiệm điện năng. Ngoài ra, còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước… thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống. Với hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp nên hiện nay, công nghệ phun tưới tự động đã được áp dụng rộng rãi tại các địa phương đối với nhiều loại cây trồng, cây ăn quả, rau màu các loại…

       


  • 27/09/2022 02:09
  • Đặng Huy Hoàng
  • 1066