Nhật Bản chú trọng phát triển năng lượng địa nhiệt tại tỉnh Oita

Nhật Bản đang nỗ lực hết mình trong việc phát triển năng lượng địa nhiệt và và các nguồn năng lượng sạch khác như khí hydro tại tỉnh Oita nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Là nơi có nhiều suối nước nóng, Oita tự hào có tiềm năng cao trở thành trung tâm năng lượng địa nhiệt, hiện sản xuất khoảng 40% năng lượng địa nhiệt của Nhật hiện nay, mức cao nhất trong số tất cả các tỉnh của Nhật Bản.

Mặt khác, nằm trên bờ biển phía đông của Kyushu, lượng khí thải carbon dioxide của khu vực này so với tổng sản phẩm quốc nội được xếp hạng cao nhất trong cả nước với tư cách là trung tâm sản xuất ô tô, chất bán dẫn, khu phức hợp hóa dầu... Do đó, việc đầu tư vào nguồn năng lượng sạch tại đây là một bước đi cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của ngành năng lượng thế giới.

Nhà máy thử nghiệm sản xuất hydro bằng năng lượng địa nhiệt ở Kokonoemachi, tỉnh Oita, Nhật Bản - Nguồn ảnh: https://english.news.cn/

Theo ông Katsusada Hirose, thống đốc tỉnh Oita: “Chúng tôi sẽ giảm lượng khí thải carbon theo từng giai đoạn, nhằm hướng tới mục tiêu tỉnh sẽ đứng thứ hai trong cả nước về quá trình trung hòa carbon với tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 50%, trong đó chủ yếu là nguồn điện địa nhiệt và tận dụng khí hydro để điện khí hóa công nghiệp".

Tại Oita, các nhà máy điện địa nhiệt địa phương đang cố gắng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Trong đó, Nhà máy điện địa nhiệt Hatchobaru của Công ty Điện lực Kyushu - nhà máy điện địa nhiệt lớn nhất ở Nhật Bản với tổng công suất đặt là 110.000 kW sẽ được cải tạo trong năm 2023 nhằm đạt được sản lượng điện lớn hơn 20%. Sau khi cải tạo, nhà máy sẽ tạo ra nguồn điện cung cấp cho khoảng 37.000 hộ gia đình. 

Bên cạnh đó, một nhà máy thử nghiệm sản xuất hydro sử dụng năng lượng địa nhiệt cũng đang được xây dựng trên địa bàn tình Oita. Dự án do Tập đoàn Điện lực Obayashi làm chủ đầu tư, dự kiến đi vào vận hành vào tháng 3/2024. Hydro được sản xuất sẽ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Dù có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng địa nhiệt, xong các hạn chế pháp lý và văn hóa suối nước nóng tồn tại lâu đời tại Nhật Bản cũng là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng địa nhiệt bị chậm lại.

Nhiều địa điểm du lịch ở Oita, chẳng hạn như Beppu, mang nét văn hóa suối nước nóng của Nhật Bản, và vẫn đang kỳ vọng phục hồi sau khi bị đại dịch COVID-19 tàn phá. Các chủ sở hữu suối nước nóng địa phương rất lo ngại rằng nhiều nhà máy điện địa nhiệt hơn sẽ làm cạn kiệt nguồn nước suối nóng, mặc dù các công ty điện lực nhấn mạnh rằng độ sâu khoan đối với nước suối nóng và nguồn nhiệt của năng lượng địa nhiệt là hoàn toàn khác nhau.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, xong năng lượng địa nhiệt được coi là nguồn năng lượng ổn định và không phát thải, rất cần được đẩy mạnh phát triển để thúc đẩy mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 của Nhật Bản, đồng thời phù hợp với kế hoạch Chuyển đổi xanh do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố với các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp tới 38% tổng năng lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030.


  • 19/12/2022 09:22
  • Thanh Huyền (Theo https://english.news.cn/)
  • 4782