Nhu cầu điện hạt nhân thế giới tăng cao

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán sản xuất điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Ít nhất 30 nước sẽ tăng sử dụng năng lượng hạt nhân như là một phần của viễn cảnh “không phát thải vào năm 2050” được trình bày trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới (WEO) mới nhất.

IEA cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể trở thành bước ngoặt tiến tới một tương lai sạch hơn và an toàn hơn. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khởi phát từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang tạo ra những thay đổi sâu sắc và dài hạn. Những thay đổi này có thể đẩy nhanh việc chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn, IEA nhận định.

WEO 2022 nêu những việc cần làm để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không trên toàn thế giới vào năm 2050. WEO 2022 còn đưa ra hai viễn cảnh khác, gồm viễn cảnh chính sách được tuyên bố (STEPS) và viễn cảnh cam kết được thông báo (APS). STEPS thể hiện đường đi dựa trên các biện pháp về năng lượng và khí hậu mà chính phủ các nước hiện áp dụng, cũng như các sáng kiến chính sách đang được phát triển. APS vạch ra cách thức thực hiện theo lộ trình và đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ về phát thải ròng bằng không mà chính phủ các nước đã công bố.

Theo STEPS, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ tăng từ 2.776 TWh vào năm 2021 lên 3.351 TWh năm 2030 và 4.260 TWh năm 2050. Trong khoảng thời gian này, tỷ trọng của các nhà máy điện hạt nhân trong tổng lượng sản xuất năng lượng vẫn duy trì ở mức 10%. Viễn cảnh này đòi hỏi tăng công suất điện hạt nhân thêm 120 GW vào năm 2030 và thêm 300 GW nữa trong giai đoạn 2030-2050 ở hơn 30 nước. Trong viễn cảnh phát thải ròng bằng không, việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện giúp hạn chế phát thải toàn cầu, và việc bổ sung trung bình 24 GW công suất điện mỗi năm trong giai đoạn 2022-2050 là gấp đôi công suất điện hạt nhân vào năm 2050.


  • 30/11/2022 11:06
  • Mỹ Linh (Theo World nuclear news)
  • 3419